Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Giải bài toán thiếu lao động qua đào tạo

Thanh Tàu| 02/04/2021 06:57

(HNM) - Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo thuộc các nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ngày một tăng, song các trường đại học lại gặp nhiều khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo. Nhằm giải bài toán thiếu lao động trong các nhóm ngành trên, nhiều trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi phương pháp tuyển sinh, triển khai nhiều giải pháp thu hút người học, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thí sinh tìm hiểu các ngành học của Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh.

Chật vật tuyển sinh

Theo Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), mùa tuyển sinh năm 2020, nhiều ngành học của trường không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, ngành Địa chất học chỉ tuyển được 29 sinh viên/100 chỉ tiêu, Hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu. Tương tự trong mùa tuyển sinh năm 2020, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh cũng phải xét tuyển bổ sung nhiều ngành học gồm: Khoa học môi trường, Công nghệ chế biến lâm sản… nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu đề ra.

Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông (Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh) Phạm Thái Sơn cho biết, năm 2019 trường chỉ có 20 thí sinh đăng ký theo học hai ngành: Khoa học thủy sản và Công nghệ vật liệu. Đến năm 2020, không có thí sinh nào đăng ký, mặc dù nhu cầu thị trường đang rất cần nhân lực cho các ngành này. Trước thực trạng đó, nhà trường đã quyết định ngừng tuyển sinh ngành Khoa học thủy sản và ngành Công nghệ vật liệu trong mùa tuyển sinh năm 2021.

"Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phụ huynh và thí sinh quan niệm học các ngành như Khoa học thủy sản hay Công nghệ vật liệu là không thức thời, môi trường làm việc vất vả... nên không đăng ký dự tuyển", ông Phạm Thái Sơn lý giải.

Chia sẻ về việc chọn ngành học, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Bích Ngân nói: "Thi đại học năm 2020, em và nhiều bạn đã chọn các ngành nổi trội như Y, Luật, Báo chí... Một phần lý do là những người xuất thân từ nông thôn như em đều mong muốn học ngành nghề gì đó, sau này được làm việc tại văn phòng sẽ thích hơn là phải ra hiện trường".

Còn em Nguyễn Đình Tùng, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) cho biết: "Nhiều người cũng khuyên em nên chọn ngành dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, ngành đó vẫn là "thợ", nên em chưa quyết định".

Nhiều giải pháp đồng bộ

Để khắc phục tình trạng trên, theo Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có thể thu hút thí sinh nếu nhà trường cho sinh viên thấy, khi tốt nghiệp các em sẽ có việc làm ổn định.

"Chúng tôi chủ động tìm kiếm, phối hợp với các doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực đào tạo của nhà trường để kéo doanh nghiệp tham gia tạo nguồn nhân lực ngay khi tuyển sinh, đào tạo, thực tập và tuyển dụng. Nhờ đó, nhà trường thu hút được nhiều sinh viên theo học. Doanh nghiệp thì có nguồn nhân lực qua đào tạo tốt, còn sinh viên có việc ngay khi ra trường", Tiến sĩ Trần Đình Lý cho hay.

Cùng chung nhận định, Trưởng phòng Thông tin (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) Phùng Quán cho rằng, các trường cần đổi mới mô hình đào tạo theo hình thức 50% trên giảng đường và 50% gắn với doanh nghiệp để mang lại cơ hội thực tập, làm việc và quảng bá ngành nghề.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trường sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để từng bước thay đổi nhận thức xã hội, thu hút thí sinh vào những ngành học sát với nhu cầu thị trường lao động, chứ không phải chỉ là những ngành học có tiếng, nhưng khó tìm việc làm khi ra trường.

"Thành phố Hồ Chí Minh đang có nhiều chính sách ưu đãi cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; Điện tử - Công nghệ thông tin; Hóa dược - cao su và Chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, những ngành này chỉ "nóng" đối với doanh nghiệp, chứ chưa thực sự "nóng" với công tác tuyển sinh, đào tạo nhân lực. Nếu các trường học và cả thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, hướng nghiệp về các ngành công nghiệp trọng yếu này, thí sinh và gia đình sẽ có sự chú ý nhiều hơn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng bày tỏ.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành liên quan sẽ kiến nghị với Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, khuyến khích, hỗ trợ, ưu đãi sinh viên theo học các ngành mà thị trường lao động đang cần. Đồng thời áp dụng cơ chế đặt hàng tuyển sinh và đào tạo đối với một số ngành thiết yếu, để thu hút nhiều hơn nữa sinh viên theo học, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Giải bài toán thiếu lao động qua đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.