(HNM) - Từ ngày 1-4, nhịp sống tại thành phố Hồ Chí Minh chậm lại nhưng mạch ngầm nhựa sống của thành phố năng động nhất cả nước vẫn tràn chảy. Người dân đồng lòng hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và ủng hộ việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, còn chính quyền thành phố đã và đang triển khai các giải pháp mạnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Người dân một lòng ủng hộ...
Học sinh nghỉ học dài ngày; phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động; các cửa hàng bán hàng không thiết yếu tạm đóng cửa; dừng vận chuyển hành khách bằng xe ô tô và hạn chế di chuyển bằng tàu hỏa, máy bay; khuyến cáo người dân không nên ra đường nếu không có việc cần thiết; 62 chốt kiểm soát được bố trí khắp thành phố để phục vụ kiểm dịch… cùng với cả nước, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đang đồng lòng thực hiện các giải pháp này để tận dùng "15 ngày vàng" phòng, chống đại dịch Covid-19.
“Chưa bao giờ tôi thấy Chính phủ và thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp quyết liệt như hiện nay. Nhưng đó là việc cần thiết để phòng, chống đại dịch Covid-19. Gia đình tôi đồng lòng ủng hộ các biện pháp mạnh này”, ông Lâm Văn Giáo, 84 tuổi ngụ tại hẻm 801 đường Phạm Thế Hiển (quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định. Giống bố, 2 tuần qua chị Lâm Mỹ Phượng đã đóng cửa hàng cơm ngoài mặt đường Phạm Thế Hiển để ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố. “Tạm thời đóng cửa hàng, không có nguồn thu nhập, biết là sẽ gặp khó khăn nhưng tôi không buồn. Theo tôi, mỗi người dân đều cần chung tay, đồng lòng tuân thủ các biện pháp chống dịch cùng thành phố, hy vọng dịch bệnh sẽ không lây lan. Giai đoạn khó khăn này sẽ sớm qua”, chị Phượng chia sẻ.
Gia đình ông Lâm Văn Giáo chỉ là một trong hàng triệu hộ gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh đang cùng các cấp, các ngành thành phố hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội phòng, chống dịch. Những ngày này, các hàng ăn, tiệm làm đẹp, trung tâm thương mại, nơi tập luyện thể thao… đều đóng cửa. "Gần một tuần nay, quán phở của tôi chỉ bán mang về. Để bảo đảm mọi người khi giao tiếp phải đứng tối thiểu 2m, tôi tự chế, lấy cái nẹp ở cửa sắt hàn lại thành ròng rọc để giao dịch với khách hàng", ông Lê Hoài Nhân (quận Tân Phú) cho biết.
Trong khi đó, các cơ quan, công sở chỉ duy trì 1/3 số nhân lực đi làm; những người đi làm đều đeo khẩu trang... Còn tại các khu công nghiệp, các biện pháp phòng, chống dịch cũng được đẩy mạnh. Ông Tsao Chung Hung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, Chủ đầu tư Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) cho biết, Ban Quản lý khu chế xuất thường xuyên phối hợp với lãnh đạo 168 doanh nghiệp tại đây nhắc nhở các công nhân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện vật tư phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. “Tại văn phòng công ty, chúng tôi chia 400 nhân viên thành 3 đội làm việc: 1 ở văn phòng chính, 1 ở văn phòng dự bị và số còn lại làm việc tại nhà, vừa bảo đảm giãn cách lao động nơi làm việc, vừa có phương án dự phòng khi có đội phải cách ly”, ông Tsao Chung Hung nói.
... chính quyền nỗ lực phòng, chống dịch bệnh
Tính đến ngày 4-4, thành phố Hồ Chí Minh có một ổ dịch tại quán bar Buddha (số 7 đường Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2), 35 bệnh nhân nhiễm Covid-19, gần 10.000 người đang cách ly tại các khu cách ly tập trung và tại nơi cư trú.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngay từ tuần cuối tháng 3-2020, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh đã tạm dừng các hoạt động tập trung đông người. Từ ngày 4-4, thành lập 62 chốt, trạm phòng, chống dịch ở các cửa ngõ ra vào thành phố và các ga tàu, bến xe, bến thủy... Các chốt này có nhiệm vụ kiểm dịch y tế, kiểm tra, giám sát việc hạn chế ra, vào thành phố đối với người và phương tiện; xử lý và kiến nghị xử lý đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19...
Tính đến ngày 4-4, thành phố đã hoàn thành việc chuẩn bị 2.300 giường điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và sẵn sàng đưa thêm 1.000 giường vào hoạt động khi dịch bệnh lan rộng. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số giường bệnh này tương ứng với kịch bản số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 lên đến 200-500 ca, kèm theo đó là 1.500-3.000 ca nguy cơ cao nhiễm bệnh cần giường điều trị ở cùng một thời điểm. Trong số này, kịch bản ứng phó dự kiến có khoảng 60-150 ca nặng cần hồi sức (tương ứng với 60-150 giường hồi sức).
Thực hiện kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu trong tình hình dịch bệnh, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh có kế hoạch tăng cường cung ứng số lượng hàng hóa thiết yếu để bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã có kế hoạch bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân. Cụ thể, tăng lượng hàng bình ổn lên 35-50%; cung ứng lương thực cho thị trường là 3.830 tấn/tháng; thịt gia súc 6.238 tấn/tháng; thịt gia cầm 8.748 tấn/tháng; thực phẩm chế biến 7.395 tấn/tháng; rau củ quả 5.177 tấn/tháng; thủy hải sản 184 tấn/tháng...
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, thành phố sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch. “Chúng ta đang trong những ngày tận dụng cơ hội vàng để phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả. Tất cả cùng đồng lòng, chia sẻ khó khăn, chấp nhận thiệt hại kinh tế hôm nay để tránh những hậu quả khôn lường ngày mai”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.