Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp

Trọng Ngôn| 16/06/2021 07:10

(HNM) - Với hơn 400.000 doanh nghiệp, thành phố Hồ Chí Minh được xem là “công xưởng” của cả nước. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, thành phố Hồ Chí Minh đã, đang đồng hành, hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp bằng các cơ chế, chính sách phù hợp để duy trì, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai chính sách hỗ trợ như giảm, hoãn tiền thuê đất, gia hạn lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh).

Nhiều ngành sản xuất gặp khó

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa thành phố Hồ Chí Minh cho biết, không ít doanh nghiệp dựa vào xuất khẩu hiện không có đơn hàng, một số nhà máy ngừng hoạt động, công nhân tạm thời nghỉ việc. Có doanh nghiệp chuyển hướng phục vụ thị trường trong nước, nhưng khó khăn chung là thiếu vốn. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành nhựa đề xuất được vay vốn lãi suất thấp để trả lương cơ bản cho công nhân nhằm giữ chân người lao động.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), ngành lương thực, thực phẩm có khó khăn đặc thù, trực tiếp nhất là hiện giá nguyên vật liệu tăng cao, khiến chi phí đầu vào đội lên, trong khi đó doanh nghiệp không thể tăng giá bán khi đang có dịch bệnh.

Còn ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên liệu tăng là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp. “Đầu ra sụt giảm nhưng chi phí đầu vào lại tăng, khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều thách thức”, ông Đỗ Phước Tống nói.

Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Minh Phương Logistics phản ánh, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến ngành vận tải khiến thời gian giao hàng bị chậm lại. Việc giao hàng chậm trễ không những vi phạm hợp đồng mà còn khiến doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền xoay vòng sản xuất. Vì vậy, bà Đặng Thị Minh Phương kiến nghị đưa ngành logistics vào gói kích cầu phát triển kinh tế của thành phố.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết thêm, qua khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn; trong đó 40% thiếu vốn kinh doanh, thị trường bị ảnh hưởng chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%… HUBA kiến nghị thành phố ban hành chính sách hỗ trợ riêng, theo đặc thù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thành phố.

Còn theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước); có 9.308 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng gần 23%).

Ba nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thành phố đang hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 thông qua các hình thức như giảm tiền điện, miễn tiền sử dụng nước sạch, gia hạn thuế và tiền thuê đất. Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng thành phố lúc này. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn xây dựng gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh xác định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương. Thứ hai, triển khai chính sách hỗ trợ của thành phố về tài chính và phi tài chính như giảm, hoãn tiền thuê đất, gia hạn lãi suất vay, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa… Thứ ba, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình xúc tiến thương mại trong nước; xem xét giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% trong năm 2021; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch trong năm 2021…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, sự phát triển của thành phố không thể tách rời sự phát triển của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn thành phố không bao giờ đứng ngoài cuộc. Thành phố quyết không để doanh nghiệp khó khăn thêm bởi sự chậm trễ của các cơ quan hành chính.

“Về gói hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ hai, thành phố sẽ triển khai với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp là trên hết, với phương châm hành động nhanh chóng, kịp thời. Thành phố cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.