(HNM) - Năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu lấy lại đà phục hồi kinh tế sau khi tăng trưởng âm trong năm 2021 do ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ mức giảm 6,78% năm 2021 đến tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 như mục tiêu đã đề ra cần sự nỗ lực rất lớn với nhiều giải pháp đột phá.
Bức tranh kinh tế vẫn có nhiều mảng sáng
Năm 2021, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,78% so với năm trước. Đây là mức giảm sâu chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong đó, khu vực dịch vụ (chiếm 64,3% GRDP của thành phố) giảm 5,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 13,68%…
Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô sản xuất, kinh doanh trong thời gian dài. Đơn cử, Công ty TNHH San Hà (quận 8), có thời điểm trong năm 2021, doanh nghiệp lỗ 1 tỷ đồng/ngày. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết: “Giờ đây, động lực để chúng tôi phấn đấu phục hồi trong năm 2022 là việc chính quyền thành phố cam kết sát cánh hỗ trợ cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng không quay lưng với sản phẩm của công ty”.
Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đối với 1.500 doanh nghiệp nằm trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Tuy nhiên, thành phố còn hơn 28.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nằm rải rác tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đúng mức để phục hồi, phát triển. Đây là điều cần khắc phục ngay từ đầu năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá, trong bức tranh tối màu của kinh tế thành phố năm 2021 vẫn có nhiều mảng sáng. Đó là, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 12,9% so cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 7,23 tỷ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so cùng kỳ. Lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so cùng kỳ. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua mức ngân sách giữ lại của thành phố năm 2022 là 21% (tăng 3% so năm 2021), giúp thành phố có thêm nguồn lực phát triển và kỳ vọng bứt phá trong năm 2022.
Những giải pháp toàn diện
Theo Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp nằm ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ngành Công Thương sẽ thực hiện 4 giải pháp: Đồng hành cùng doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh thông qua hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu của thành phố; mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất - nhập khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử; kết nối cung - cầu hàng hóa, hàn gắn chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong dịch; đẩy mạnh cải cách hành chính với 100% thủ tục hành chính được đưa lên nền tảng trực tuyến.
Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh Đinh Ngọc Thắng cho biết, phát huy điểm sáng xuất, nhập khẩu năm 2021, trong năm 2022, ngành Hải quan thành phố kiên trì thực hiện 3 nhiệm vụ chính gồm: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hải quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả thông quan; phát triển Cục Hải quan thành phố ngày càng chính quy, hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển...
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh tập trung nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền cơ sở; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên khôi phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng, sản xuất, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động trở lại, tái hòa nhập thị trường. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung chú trọng phục hồi ngành Du lịch; triển khai đề án phát triển ngành logistics; đề án phát triển thương mại điện tử; hoàn thành pháp lý trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố cũng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp, trọng tâm là triển khai chương trình hỗ trợ phát triển ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, nếu an toàn phòng, chống dịch là điều kiện cần thì việc nâng cao chất lượng chính quyền đô thị là điều kiện đủ. Theo người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, công tác cải cách hành chính là thước đo chất lượng chính quyền đô thị. "Cải cách hành chính của thành phố Hồ Chí Minh có tác động không chỉ đến kinh tế - xã hội ở thành phố mà còn lan tỏa ra cả nước. Chính vì vậy, thành phố không dừng lại ở đạt vị trí trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) hằng năm mà còn đặt ra yêu cầu cao hơn nữa, hỗ trợ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội toàn thành phố", đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.