Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Cùng doanh nghiệp vượt khó

NGUYỄN LÊ| 25/08/2021 07:21

(HNM) - Hiện nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch bệnh. Đồng hành vượt khó, thành phố tiếp tục thực hiện nhiều nhóm giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phục hồi sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Công ty cổ phần Việt Long Sài Gòn (quận 8) triển khai phương án sản xuất “5C” (cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt - cùng sản xuất - cùng làm việc) trong phạm vi nhà máy.

Phải đánh đổi để duy trì sản xuất

Thực hiện phương châm “xây dựng mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đa dạng hóa các phương án duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc kéo dài thực hiện các phương án trên đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Châu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Long Sài Gòn (quận 8) cho biết, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp và thành phố phải thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, ban lãnh đạo công ty quyết định duy trì sản xuất - kinh doanh với trọng tâm chính là tạo việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, giữ vững thị trường xuất khẩu. Công ty triển khai chương trình "5C" (cùng ăn - cùng ở - cùng sinh hoạt - cùng sản xuất - cùng làm việc) trong phạm vi khuôn viên nhà máy. “Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, để duy trì sản xuất là một bài toán đánh đổi rất lớn, nhất là với doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ”, ông Nguyễn Xuân Châu nói.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, duy trì sản xuất an toàn trong phòng, chống dịch đồng nghĩa mỗi nhà máy, doanh nghiệp là một pháo đài tự phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy vậy, trong thực tiễn thực hiện, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền. Còn Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang “kiệt sức”. Nếu không được hỗ trợ kịp thời từ chính sách, doanh nghiệp rất khó trụ lại được.

Theo Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất các vấn đề như: Có chính sách phù hợp để không gây gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu; hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc giãn nợ, không yêu cầu trả các khoản nợ vay đến hạn trong 4-6 tháng tới. Cùng với đó là có chính sách hỗ trợ một phần tiền lương cho người lao động bị thất nghiệp hoặc nghỉ luân phiên do ảnh hưởng của dịch bệnh để duy trì nguồn lao động cho doanh nghiệp...

Tăng hỗ trợ về vốn, giảm tiền thuê đất

Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 có thể ở mức âm. Các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh và tăng trưởng có thể giảm sâu. Trước tình hình trên, thành phố Hồ Chí Minh cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, hoạt động hiệu quả, an toàn. Qua đó, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để phục hồi khi dịch được kiểm soát, góp phần giữ ổn định tăng trưởng kinh tế.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp với 4 nhóm giải pháp gồm: Hỗ trợ về tín dụng; hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ về thông tin; đào tạo nguồn nhân lực. Đối với chính sách hỗ trợ về tín dụng, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng tăng mức hỗ trợ về vốn, giảm lãi suất so với mức hiện hành đối với doanh nghiệp đang thực hiện mô hình “3 tại chỗ” hoặc các phương án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận để duy trì sản xuất, kinh doanh. Riêng doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Ngân hàng điều chỉnh nâng hạn mức định giá những tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên 85% nhằm giảm áp lực phải tìm thêm tài sản thế chấp.

Về chính sách hỗ trợ giảm chi phí, UBND thành phố kiến nghị Chính phủ chấp thuận đánh giá dịch Covid-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng để doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh; đồng thời, nâng mức giảm thuế giá trị gia tăng lên 50% đối với nhóm doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch như du lịch, ăn uống, vận tải...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thành phố nhận thức rõ cộng đồng doanh nghiệp có vai trò lớn đối với sự phát triển của thành phố. Những tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự sống còn của doanh nghiệp, người lao động. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp lúc này là nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Cùng doanh nghiệp vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.