(HNMO) - Trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng cao, các địa phương tại thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng thêm vùng an toàn, thu hẹp vùng dịch bệnh. Cùng với đó, trợ giúp những đối tượng khó khăn vượt qua đợt dịch này.
Cách làm mới của Thủ Đức
Thành phố Thủ Đức là địa phương đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng vùng xanh không có dịch Covid-19 trên diện rộng, ngay từ những vùng dịch Covid-19, ở 9 phường trọng điểm gồm: Bình Chiểu, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Linh Trung, Linh Xuân, Tam Bình, Tam Phú và Trường Thọ.
Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu cho hay, tại các phường này, những khu vực có nguy cơ cao sẽ được khoanh vùng, xét nghiệm nhanh để xác định các ca dương tính, đưa đi cách ly, điều trị. Sau đó toàn bộ người dân trên 18 tuổi ở khu vực nguy cơ này sẽ được tiêm ngừa Covid-19.
Lãnh đạo UBND các phường thiết lập đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận tất cả thông tin của người dân liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân... Bên cạnh việc tuần tra, xử phạt người vi phạm giãn cách, hỗ trợ người yếu thế, UBND các phường vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền trọ cho công nhân, người lao động gặp khó khăn.
Các địa phương đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch này. Ngày 10-8, đội tiêm lưu động số 2 của thành phố Thủ Đức đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 374 người dân trong các khu vực cách ly y tế, khu phong tỏa trên địa bàn phường An Khánh. Tại khu 527, khu phố 6, người dân đều hân hoan và phấn khởi. Anh Huỳnh Ngọc Tú trú tại địa bàn cho biết: “Chúng tôi đã ở trong khu phong tỏa 1 tháng. Khi biết có đội tiêm xuống tận khu cách ly để tiêm vắc xin, bà con rất mừng”.
Hiện nay, phường An Khánh, thành phố Thủ Đức có 27 điểm phong tỏa. Sau khi xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin, các khu phong tỏa sẽ thực hiện các biện pháp phòng dịch để tiến tới gỡ bỏ phong tỏa, góp phần tăng thêm vùng an toàn; đồng thời, giữ vững các vùng an toàn đã có.
Cũng trong ngày 10-8, UBND phường Cát Lái đã phát động xây dựng "Vùng không có dịch Covid-19". Theo đó, địa phương sẽ triển khai 6 bước. Bước 1, tìm vùng nguy cơ cao, nhanh chóng truy vết F0 để khoanh vùng dập dịch; khoanh vùng xét nghiệm. Bước 2, tổ chức test nhanh kháng nguyên Covid-19, xét nghiệm nhanh có trọng tâm, trọng điểm và tiến hành khử khuẩn. Bước 3, đưa các F0 đến khu lưu dung của phường hoặc thành phố tùy vào triệu chứng nặng nhẹ. Bước 4, tiêm vắc xin cho mọi người từ đủ 18 tuổi trở lên. Bước 5, thiết lập vùng an toàn. Bước 6, bảo đảm an sinh xã hội; tuyệt đối không để nhân dân thiếu lương thực, thực phẩm. Vận động 100% chủ nhà trọ, phòng trọ miễn giảm tiền thuê trọ cho đối tượng công nhân, người lao động gặp khó khăn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết: “Việc tạo thành những vùng xanh an toàn để tiến tới phường an toàn là một việc làm không dễ, nhưng nếu cả hệ thống chính trị địa phương và nhân dân đồng lòng thực hiện thì sẽ có hiệu quả cao”.
Hàng nghìn sinh viên được hỗ trợ
Thạc sĩ Phùng Quán, Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hơn 3.500 sinh viên Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và một số trường đại học khác đang kẹt lại ký túc xá ở thành phố Thủ Đức và tỉnh Bình Dương. Phần lớn các em gặp khó khăn. Đại học Quốc gia đã cùng các bên chăm lo đời sống cho các sinh viên.
Cụ thể, thông qua chương trình phối hợp trợ giúp, từ nhiều tỉnh, thành phố, các chuyến xe nghĩa tình đã chở đến Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh hơn 22 tấn rau, củ, quả, gạo, mì... do các nhà hảo tâm tặng sinh viên.
Cùng với đó, Trung tâm quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện Chương trình hỗ trợ sinh viên. Tại ký túc xá, trong nhiều ngày qua, đã tiếp nhận gần 5.000 suất cơm từ "Bếp ăn 0 đồng" và nhiều thực phẩm, vật dụng hằng ngày cho sinh viên.
Ông Tăng Hữu Thủy, Giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, ngoài chăm lo cho sinh viên nội trú, ký túc xá còn hỗ trợ và trao 784 phần quà (gồm gạo, nước tương, mì gói, cháo gói, lương khô, thịt ngâm mắm, cá cơm, sữa...) cho các bạn sinh viên nhường chỗ ở trong ký túc xá để làm trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, đang ở trọ quanh khu vực ký túc xá, gặp khó khăn.
Các trường đại học có sinh viên đang kẹt lại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực chăm lo bữa ăn cho sinh viên trong giãn cách. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Phụ trách Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Hằng ngày, trường đều nấu cơm 2 bữa miễn phí cho 300 sinh viên đang ở ký túc xá. Có 2 xe, 4 chuyến mỗi ngày, chở thực phẩm đến các chỗ sinh viên đang ở. Ở cổng trường có siêu thị 0 đồng và chợ đầu mối UTE để sinh viên trường vào lấy miễn phí".
Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.500 sinh viên đang "kẹt" lại ký túc xá trường và các khu vực thuộc thành phố Thủ Đức. Tính đến ngày 8-8, trường đã vận động được 435 triệu đồng và hàng chục tấn lương thực, nhu yếu phẩm trị giá hơn 1,2 tỷ đồng để không sinh viên nào phải khó khăn trong dịch Covid-19.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.