(HNM) - Kênh, rạch góp phần tạo nên nét đẹp của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài vừa qua, nhiều tuyến kênh rạch không được chỉnh trang, số nhà lụp xụp ven kênh, rạch xuất hiện ngày càng nhiều đã ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị và gây cản trở tiêu thoát nước. Trước thực trạng trên, UBND thành phố Hồ Chí Minh lập kế hoạch chỉnh trang khu vực này, triển khai trong giai đoạn 2021-2025, nhằm thay đổi cơ bản diện mạo nơi đây.
Di dời hàng nghìn nhà lụp xụp
Ghi nhận tại kênh Đôi ngày 16-11, hàng nghìn căn nhà dọc theo hai bờ kênh, trải dài trên 16 phường của quận 8, phần lớn đều lụp xụp, khung cọc gỗ mỏng mảnh, mái và tường che tôn tạm bợ, chênh vênh. Nhiều căn nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. “Nhiều năm qua, chúng tôi mong mỏi chính quyền cho di dời đến nơi ở mới an toàn để ổn định cuộc sống”, bà Trần Vân Hoa (phường 10, quận 8, trên bờ Bắc kênh Đôi) phản ánh.
Tình trạng nhà lụp xụp ven kênh, rạch vừa gây mất mỹ quan thành phố, vừa làm nghẽn dòng chảy tiêu thoát nước không chỉ xảy ra tại quận 8 mà còn ở nhiều địa phương khác tại thành phố Hồ Chí Minh, như: Quận Bình Thạnh, quận Tân Bình...
Để cải thiện tình trạng này, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025, trong đó chú trọng di dời và tổ chức lại cuộc sống cho người dân sống trên và ven sông, kênh, rạch. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà, tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng.
Là một trong những quận đầu tiên của thành phố triển khai kế hoạch chỉnh trang, phát triển đô thị này, Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết: Tuyến kênh Đôi có hơn 6.000 căn nhà nằm hai bên bờ kênh, đa số nhà trên và ven kênh đều xây dựng không hợp pháp. Nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống dòng kênh nên mức độ ô nhiễm ngày càng tăng. Để ổn định cuộc sống người dân dọc kênh Đôi, đến tháng 12-2021, quận 8 sẽ hoàn tất công tác di dời, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, sắp xếp chỗ ở mới cho các hộ dân ở trên và ven bờ Bắc kênh Đôi tại các phường 8, 9, 10, 12, 14. Đến tháng 12-2022, sẽ hoàn thành công việc tương tự ở bờ Nam kênh Đôi tại các phường 6, 7 và hoàn thành tại các phường 1, 2, 3, 4, 5 vào tháng 12-2024. Trong năm 2025 và các năm sau đó, phấn đấu hoàn chỉnh tuyến kè dọc hai bờ Nam, Bắc kênh Đôi.
Tìm vốn phát triển đô thị dọc kênh, rạch
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai các dự án vốn ngân sách với 3 nhóm. Nhóm 1 sẽ di dời 3.220 căn, với tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỷ đồng. Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật tại quận Bình Thạnh), di dời 2.196 căn nhà; dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình) giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng, di dời 190 căn; dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh, di dời 834 căn. Nhóm 2 sẽ di dời 3.250 căn với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.543 tỷ đồng. Nhóm 3 sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư 30 dự án còn lại với quy mô 7.282 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 10.362 tỷ đồng. Thành phố sẽ lập quy hoạch tổng thể bờ sông, kênh nội thành, bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí, chấm dứt tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm như trước đây.
Đối với dự án vốn ngoài ngân sách, thành phố sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục để sớm tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện 6 dự án với quy mô 6.630 căn, trong đó, trọng tâm là dự án bờ Nam kênh Đôi. Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng khoa Đô thị học (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh), nhận định: "Cần phối hợp giữa việc giải tỏa mặt bằng với việc huy động nguồn lực xã hội vào chỉnh trang đô thị ven kênh rạch. Quỹ đất sau giải tỏa có thể bán đấu giá quyền sử dụng đất, lấy kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng". Cùng chung quan điểm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh Lê Trần Kiên đề xuất, UBND thành phố tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư bằng việc gắn đề án phát triển kè bờ và phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, kênh, rạch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, cùng với việc triển khai thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong cải tạo, chỉnh trang đô thị ven sông, kênh rạch, thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho thành phố để đầu tư một số dự án trọng điểm cấp bách trong nạo vét kênh, rạch, chỉnh trang đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.