(HNM) - Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp và xây mới nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, tình trạng kẹt xe trong nhiều giờ liên tiếp xảy ra và lan rộng khắp các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố,
Vài chục năm nữa vẫn kẹt xe
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TP Hồ Chí Minh, năm 2010 toàn thành phố có khoảng 4,5 triệu xe gắn máy và gần 500.000 xe ô tô. Nhưng thống kê mới nhất cho thấy hiện thành phố đã có hơn 7,2 triệu xe (gồm hơn 6,5 triệu xe gắn máy và khoảng 660.000 ô tô). Với lượng xe gắn máy hơn 6,5 triệu chiếc, TP Hồ Chí Minh là địa phương có lượng xe gắn máy đứng đầu cả nước (chiếm hơn 15% tổng số xe gắn máy). Không những thế, trung bình mỗi năm, loại phương tiện này tăng 10% (từ 300.000 - 350.000 chiếc), chưa kể khoảng trên 1 triệu xe gắn máy vãng lai của các tỉnh lưu thông hằng ngày trên đường thành phố, đã gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông.
Hệ thống hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh đang quá tải nghiêm trọng. |
Cũng theo Sở GT-VT, dự kiến đến cuối năm 2015, tổng chiều dài đường làm mới là 331,77km; xây dựng mới 74 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 1,95km/km²; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,28%. Từ số liệu trên, PGS.TS Phạm Xuân Mai (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu hơn 7 triệu xe cùng lưu thông trên mật độ đường giao thông 1,95km/km² thì các xe gần như xếp kín mặt đường. Vị này cảnh báo, tình trạng kẹt xe tại TP Hồ Chí Minh sẽ ngày càng tăng bởi tốc độ xây dựng, phát triển cầu đường mới không theo kịp sự gia tăng lượng xe cá nhân. Trong khi đó, việc phát triển vận tải công cộng lại hết sức chậm chạp và chưa có sự chuyển biến đột phá.
Theo các chuyên gia, nếu kể hết mọi nguồn vốn và hình thức đầu tư, hằng năm phải có đến vài chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, việc quy hoạch và quản lý theo quy hoạch quá kém, các đồ án quy hoạch đô thị thiếu tầm nhìn, quy hoạch phân khu chức năng xơ cứng, không gắn kết giữa giao thông và phát triển sử dụng đất đô thị, vì thế chuyện kẹt xe sẽ kéo dài vài chục năm nữa.
TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành, đưa vào khai thác 27 dự án, công trình giao thông trọng điểm. Tính từ đầu năm 2011 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã bố trí kế hoạch vốn đầu tư 39.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông (chưa kể nguồn vốn ODA và nguồn vốn huy động khác). |
Chính sách bất cập
Trong một cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ rõ, các cơ chế chính sách chưa thực sự phù hợp dẫn đến việc kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố chưa đạt hiệu quả. Ngoài ra, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu nên việc bố trí vốn ngân sách (để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng) cho một số công trình còn gặp nhiều khó khăn. Cũng theo UBND TP Hồ Chí Minh, công tác quản lý cơ sở hạ tầng, tổ chức phân luồng giao thông, quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè, quản lý việc dừng đậu xe... chưa được tổ chức khoa học; chưa áp dụng các công nghệ tiên tiến trong quản lý điều hành và xây dựng kế hoạch.
Bên cạnh đó, tiến độ di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn, di dời các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, bệnh viện lớn ở khu vực nội đô ra bên ngoài, vấn đề kiểm soát dân số (tăng cơ học) vẫn còn chậm so với tiến độ yêu cầu. Công tác nghiên cứu mô hình quản lý kết cấu hạ tầng và quản lý giao thông chưa phù hợp với đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh; chất lượng nguồn nhân lực cho ngành GT-VT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Theo các chuyên gia, để giảm bớt nạn kẹt xe cần đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng. Thế nhưng, nghịch lý là trong khi lượng xe cá nhân tiếp tục tăng cao thì lượng hành khách đi xe buýt tại TP Hồ Chí Minh lại đang giảm. Cụ thể, theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố, ước đến cuối năm 2015 lượng khách sử dụng xe buýt là 600 triệu lượt, chỉ đạt hơn 65% so với chỉ tiêu đề ra. Điều này cho thấy người dân không bỏ xe cá nhân để đi xe buýt, mà ngược lại họ từ bỏ xe buýt để đi xe cá nhân, khiến mật độ xe cá nhân lưu thông trên đường ngày càng tăng.
Đánh giá về nguyên nhân, lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách hạn chế xe cá nhân vẫn chưa được thực hiện. Hầu như người dân đã quá quen sử dụng xe gắn máy như một phương tiện giao thông đi lại như đặc thù nên khó thu hút hành khách đi xe buýt. Song song đó, chưa hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Đặc biệt, hạ tầng phục vụ xe buýt còn yếu kém.
Về giải pháp lâu dài, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh cho rằng, chính quyền thành phố cần có các giải pháp tổng thể mang nguyên tắc "ổn định". Theo đó, ổn định lại quy mô phát triển, nghiên cứu các thành phố vệ tinh hay vùng đô thị; ổn định điều chỉnh đồ án quy hoạch giao thông theo đúng các quy chuẩn… Mặt khác, cần ổn định mô hình chính quyền đô thị trong quản lý phát triển giao thông như các nước, theo đó, việc phát triển ngành giao thông đô thị cần thu về một mối để quản lý và điều hành. Đặc biệt, ổn định bài toán giao thông đô thị phải dựa trên một hệ thống quản lý giao thông thông minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.