Hàng loạt điểm nghẽn, vướng mắc do vướng cơ chế, hoặc chưa có quy định cụ thể được tháo gỡ nhờ Nghị quyết 98, thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước đưa các cơ chế đặc thù từ nghị quyết vào đời sống.
Nghị quyết 98 ban hành kịp thời
Từ khi thành lập, thành phố Thủ Đức (1-1-2021) gần như chưa có cơ chế hoạt động. Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) có hiệu lực từ 1-8-2023 là một bước thể chế hóa, cụ thể hơn để thành phố Thủ Đức ổn định tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhờ vậy, năm 2024, thành phố Thủ Đức đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hơn 98%, đứng tốp đầu các địa phương của thành phố.
Nghị quyết 98 quy định hai cơ chế về phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy chính quyền. Thực hiện nghị quyết, thành phố đã thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số thành phố, đáp ứng yêu cầu bức thiết về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu cấp thiết trong chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng mạnh mẽ Dịch vụ công trực tuyến.
Theo UBND thành phố, Nghị quyết 98 giúp thành phố tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc về đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách, khoa học công nghệ, quản lý đô thị, tổ chức bộ máy mà trước đây gặp vướng mắc do các quy định của pháp luật chồng chéo hoặc chưa có quy định cụ thể. Nhờ Nghị quyết 98, thành phố đã dùng nguồn vốn đầu tư công để triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, trong đó khơi thông được nhiều dự án giao thông kéo dài nhiều năm, như dự án mở rộng quốc lộ 50 (qua địa bàn thành phố), các dự án đường Vành đai, giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2…
Cũng từ Nghị quyết 98, thành phố đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) dọc tuyến metro số 1, metro số 2; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công - tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.
Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước có giới hạn, nhưng nhu cầu đầu tư phát triển rất lớn, Nghị quyết 98 cho phép thành phố một số cơ chế đặc thù trong phân cấp, phân quyền trong việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh chủ trương đầu tư, linh hoạt các hình thức kêu gọi đầu tư để huy động tối đa nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đặc biệt trong đầu tư cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng cho phép thành phố sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng: Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) với tổng mức đầu tư (bao gồm lãi vay) 19.617 tỷ đồng.
Về quản lý đô thị, thành phố đã áp dụng cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha cho 1 dự án; đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án, cung cấp cho thị trường khoảng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội…
Cũng từ Nghị quyết 98, thành phố đã đưa vào cân đối từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để chi thu nhập tăng thêm là 11.287 tỷ đồng. Qua đó, giúp nâng cao đời sống, tạo thêm động lực để cán bộ, công chức phát huy tối đa năng lực, tăng hiệu quả làm việc, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Tiếp tục vận dụng hiệu quả cơ chế đặc thù
Năm 2025, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 500.000 tỷ đồng. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi thành phố phải quyết liệt, đột phá hơn nữa. Do vậy, Nghị quyết 98 được xem là công cụ hiệu quả góp phần đưa thành phố đạt được chỉ tiêu đề ra.
Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực đầu tư công và đầu tư tư nhân, việc vận dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 sẽ giúp thành phố bứt phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa nội lực. Thành phố đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư (PPP); phê duyệt 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028. Để các dự án này được triển khai hiệu quả, thành phố cần vận dụng cơ chế phân cấp chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, phân bổ ngân sách để linh hoạt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục và tăng cường công tác giám sát.
Trong phát triển đô thị, hiện trên địa bàn thành phố còn rất nhiều khu “đất vàng” vẫn chưa tìm được các nhà đầu tư có năng lực, như: Dự án Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh); Tam giác Trần Hưng Đạo, Tứ giác Nguyễn Cư Trinh (quận 1)… Nghị quyết 98 cho phép thành phố được thực hiện kêu gọi đầu tư theo cơ chế tổ chức đấu thầu (trước đây bị vướng), cơ chế này được các chuyên gia đánh giá khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Đối với nguồn lực đất đai, Nghị quyết 98 cũng mở ra cơ chế phân quyền để thành phố Hồ Chí Minh chủ động điều chỉnh quy hoạch, đề xuất chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, điều chỉnh pháp lý quyền sử dụng đất, bán đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này sẽ giúp thành phố đẩy nhanh việc chỉnh trang đô thị, hoàn thiện xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tăng nguồn thu ngân sách từ đất đai phục vụ phát triển thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.