(HNM) - Nhanh chóng khắc phục hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, gây nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là những vấn đề
Quận Hoàn Kiếm là đơn vị có đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện tốt kỷ cương hành chính. Ảnh: Viết Thành |
Khi cán bộ chưa "tròn vai"
Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung, quyết liệt trong hành động, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, xây dựng bộ máy chính quyền gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; đồng thời chú trọng nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện những quy định trong cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn chưa nghiêm túc, một số cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, bộ phận “một cửa” giống như “bộ mặt” của cơ quan công quyền, giao tiếp với công dân. Thế nhưng mới đây, Đoàn kiểm tra công vụ của thành phố kiểm tra tại các phường Thượng Cát, Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) phát hiện địa phương không bố trí cán bộ trực tại bộ phận “một cửa”. Tại phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) có vi phạm trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn của công dân. Mới đây, ngày 7-9, kiểm tra đột xuất tại UBND xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) thì Phòng tiếp dân không có người trực, thời gian nhận hồ sơ hành chính bị “bớt” một tiếng và người được giao việc không biết sử dụng phần mềm tư pháp khiến người dân không làm được thủ tục khai sinh, phải ra về. Tại UBND xã Phù Lỗ và xã Phù Linh (huyện Đông Anh) vào ngày 13-9, Đoàn kiểm tra phát hiện bộ phận “một cửa” thực hiện sai thời gian tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; nhiều thủ tục không đưa ra bộ phận “một cửa” mà thực hiện tại phòng chuyên môn.
Ngoài ra, vẫn còn những lời phàn nàn về thái độ của CBCCVC khi giao tiếp, ứng xử với công dân chưa đúng mực. Điển hình như trong trao đổi với phóng viên báo chí, đã có một số lãnh đạo sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước của thành phố thiếu kiềm chế, có những lời lẽ, phát ngôn thiếu chuẩn mực, gây bức xúc dư luận. Những hạn chế đó đã ảnh hưởng đến lòng tin của người dân, làm xấu hình ảnh của cơ quan hành chính nhà nước.
Một thực tế khác, cũng có nhiều ý kiến phản ánh là hiện nay tình trạng sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực còn diễn ra khá phổ biến. Đây có lẽ là vấn đề phức tạp, gây nhiều điều tiếng nhất. Theo Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm: “Tập quán, thói quen của nhiều nơi là uống rượu, bia khi tiếp khách vẫn tồn tại, nên dù trước đây những quy định về văn hóa công sở đề cập đến việc này nhưng chưa thực hiện triệt để được. Chỉ thị 26 lần này đã nêu rất rõ, đây là hành vi nghiêm cấm đối với CBCCVC và người lao động. Đó chính là điểm nhấn để bắt buộc mỗi người phải tự giác có ý thức chấp hành”. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, không dễ để giám sát được CBCCVC trong giờ nghỉ trưa...
Để thực sự vì dân và gần dân
Ngay sau khi Chỉ thị số 26/CT-TTg được ban hành, ngày 19-9, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị số 26/CT-TTg, khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của ngành mình, cấp mình. Theo đó, đối với các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, UBND thành phố yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của CBCCVC, không để xảy ra hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Đối với CBCCVC, người lao động phải tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương và trật tự hành chính, đúng thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh công việc; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng. Đặc biệt, CBCCVC không được hút thuốc lá trong phòng làm việc, nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực... Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có ý kiến phê bình và UBND TP Hà Nội cũng ban hành Văn bản số 5261/UBND-SNV về chấn chỉnh việc phát ngôn không đúng chuẩn mực của CBCCVC...
Tất cả thể hiện sự quyết liệt của Hà Nội trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính. Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Thực tế, Sở cũng đã có nội quy quy định thực hiện văn hóa công sở như: Đeo thẻ đầy đủ, thái độ hòa nhã, tác phong nhanh nhẹn, đúng giờ. Vấn đề là phải đẩy mạnh hơn nữa những nội dung văn hóa công sở để phục vụ người dân tốt nhất”. Ông Khánh cũng cho biết, trước đây chỉ số hài lòng chỉ khoảng gần 60% thì hơn một năm sau khi tổ chức dịch vụ công theo cơ chế “một cửa”, con số này đã đạt hơn 90%.
Tại quận Long Biên, việc thực hiện nội dung của Chỉ thị về “Nghiêm túc thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công” được đánh giá dựa trên lịch công tác theo tuần, tháng và hằng năm. Đây là cơ sở để xếp loại CBCCVC vào cuối năm. Quận Nam Từ Liêm cũng tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp qua việc tiên phong triển khai kế hoạch “Chính quyền, công sở thân thiện”, trong đó có nội dung “Nụ cười công sở”...
Thành ủy Hà Nội cũng đã tổ chức 10 đoàn giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính và việc nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCCVC. Riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thời gian qua đã kiểm tra 12 cuộc, qua đó kỷ luật nghiêm các trường hợp sai phạm…
Sinh thời, Bác Hồ đã chỉ rõ những phẩm chất của người cán bộ là phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Tức là làm một "công bộc của dân" thì phải cần cù, chăm chỉ làm việc, biết sử dụng tiền của hợp lý, có ích, không phung phí; biết giữ mình trong sạch, không tham ô, không hối lộ; biết xử lý công việc chính xác, ngay thẳng, không thiên vị. Quyết tâm xây dựng bộ máy liêm chính, gần dân của TP Hà Nội cũng là thực hiện lời dạy của Người, đồng thời là mục tiêu hết sức quan trọng tạo động lực mới cho quá trình cải cách, xây dựng và phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.