Sáng 24-10, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục giám sát việc thực thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Thanh Oai từ năm 2020 đến nay.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Khánh Bình, thực hiện chủ trương, kế hoạch của thành phố, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giải quyết việc làm cho người lao động. Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù. Khuyến khích tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số ngắn hạn theo hình thức thường xuyên, linh hoạt cho người lao động.
Đồng thời, huyện cũng thực hiện có hiệu quả các chính sách thu hút nhân tài phù hợp với điều kiện của huyện, nhằm thu hút và giữ chân các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý có trình độ cao, khuyến khích doanh nghiệp, người sử dụng lao động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Từ năm 2020 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm thông qua nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia là gần 5.000 lao động; giải quyết việc làm thông qua việc tuyển dụng của các doanh nghiệp là gần 700 lao động; giải quyết việc làm thông qua hoạt động xuất khẩu lao động hơn 50 người; giải quyết việc làm thông qua đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/2009/QĐ-TTg gần 700 lao động; tự tạo việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề là hơn 800 lao động...
Tại buổi giám sát, thành viên Đoàn giám sát đề nghị huyện Thanh Oai cần làm rõ thêm về những chính sách đào tạo nghề; kiến nghị khuyến khích chính sách những lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với địa phương; nêu cụ thể những kết quả đào tạo giải quyết việc làm so với chỉ tiêu; sự chỉ đạo của cấp ủy trong hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho các đối tượng…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình ghi nhận những cố gắng của huyện Thanh Oai trong thực hiện các chính sách về giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Đồng thời, đề nghị huyện Thanh Oai tiếp tục triển khai thực hiện đề án mở rộng các cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống, đề án xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, phát triển sản xuất nông nghiệp chuyển mạnh theo hướng sản xuất theo chuỗi hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển ngành nghề, mở rộng dịch vụ nông thôn, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Cùng với đó, huyện cần tập trung vào nhóm giải pháp nâng cao năng lực dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác dạy nghề; đẩy mạnh công tác giới thiệu, giải quyết việc làm sau đào tạo; đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn cung lao động; thực hiện phối kết hợp đào tạo tại doanh nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút nguồn lao động tại chỗ; giải quyết hiệu quả bài toán “cung - cầu” lao động hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.