(HNM) - Trong xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Oai xác định phải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao giá trị, giúp người dân có thu nhập ngày một cao hơn và đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung.
Xã Cao Viên những ngày này đang vào thu hoạch vụ bưởi Diễn, cam Canh. Trang trại cây ăn quả của hộ gia đình ông Lê Đức Giáp, xóm Bãi đã có nhiều khách đến mua buôn. Theo ông Giáp, năm nay thời tiết không mấy thuận lợi nên năng suất cam và bưởi giảm khoảng 20-30%. Hiện, gia đình ông đang bán tại vườn với giá 50-60 nghìn đồng/kg cam và 30-40 nghìn đồng/quả bưởi. Ngoài cây ăn quả, ông Giáp còn ghép được 100 "cây ngũ quả" (các năm trước chỉ ghép được 60 cây) làm cảnh cho người mua chơi Tết với giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/cây. Ước tính, mỗi năm gia đình thu lợi 400-500 triệu đồng. Ông Lê Đức Giáp cho biết, cả xã Cao Viên có 45 hộ tham gia trồng cam, bưởi trên diện tích gần 30ha, cho giá trị cao 600-700 triệu đồng/ha.
Người dân xã Kim An (huyện Thanh Oai) chăm sóc vườn cam. Ảnh: Bá Hoạt |
Tại xã Kim An cũng đã hình thành trên 40ha trồng cam và ổi. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Kim An Đỗ Hùng Cường cho biết, thời điểm này, mỗi ngày Kim An tiêu thụ từ 5 đến 7 tạ trái cây. Nhờ vậy, nhiều gia đình có cuộc sống ngày một khấm khá.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn, thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy, huyện Thanh Oai đã chỉ đạo các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất tập trung. Với cây lúa, trong 3 năm, toàn huyện đã xây dựng được hơn 3.800ha lúa hàng hóa chất lượng cao, tập trung ở các xã: Thanh Văn, Tam Hưng, Mỹ Hưng, Đỗ Động, Bình Minh. Đáng kể là mô hình trồng lúa Nếp cái hoa vàng tại xã Tam Hưng được triển khai trong hai năm 2012, 2013 trên diện tích 150ha, hiệu quả kinh tế cao gấp hai lần so với lúa Khang dân. Xã Thanh Văn lại đi đầu trong việc thâm canh lúa hàng hóa với giống Bắc thơm số 7 diện tích trên 300ha/vụ cho thu nhập gấp 1,5 lần giống lúa Khang dân…
Bên cạnh lúa, nhiều mô hình mới như trồng hoa ly ở xã Bình Minh trên diện tích 500m2, Tam Hưng, Cao Viên mỗi mô hình có diện tích 1.000m2 cho kết quả khá. Tại 6 xã khác là Kim An, Kim Bài, Thanh Cao, Bình Minh, Xuân Dương, Tam Hưng người dân lại tập trung phát triển trồng rau an toàn với tổng diện tích 200ha và đã được thành phố công nhận đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn, đang phê duyệt quy hoạch để đầu tư cơ sở hạ tầng… Ngoài ra, năm 2013 huyện cũng đã tập trung hỗ trợ nông dân xã Tân Ước thực hiện mô hình cấy máy trên diện tích 40ha.
Tại hội nghị sơ kết Chương trình 02 của huyện Thanh Oai diễn ra mới đây, nhiều ý kiến đều khẳng định thành công trong công tác dồn điền, đổi thửa sẽ tạo động lực mới để nông nghiệp Thanh Oai phát triển. Tuy nhiên, sau dồn đổi, đa số đường giao thông nội đồng chưa được cứng hóa nên trời mưa, đường đồng rất khó đi. Đối với vùng trồng rau an toàn xã Kim An, đến nay chưa có điện kéo ra đồng nên người dân vẫn phải tưới rau thủ công, tốn nhiều công sức. Bên cạnh đó, xã viên còn rất thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên: 3 năm qua, huyện đã triển khai các dự án lồng ghép và nhiều công trình đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất. Mặc dù vậy, huyện vẫn đề nghị thành phố sớm ban hành chủ trương cho thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được quy hoạch theo đề án xây dựng NTM, đặc biệt, trong việc chuyển đổi từ đất lúa sang các mô hình khác để người dân yên tâm đầu tư. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.