(HNMCT) - Sự phát triển của thị trường sách và sự đổi mới của hệ thống thư viện trong những năm gần đây cho thấy tín hiệu vui từ thói quen đọc của người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia khác, lượng sách đọc trung bình mỗi năm của người Việt vẫn còn quá ít.
Mới đây, tại buổi tọa đàm “Thanh niên với văn hóa đọc” được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Ngày hội sách 2021 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam cho thấy một hiện trạng khá... “giật mình”. Hầu hết người dự tọa đàm là sinh viên, nhưng trước câu hỏi của diễn giả: “Ở đây có bao nhiêu người ngày nào cũng đọc sách?” thì số giơ tay chưa được chục người. Và cũng chỉ có rất ít người giơ tay xác nhận khi diễn giả đặt câu hỏi: “Những ai trong một tháng qua đã đọc hết một cuốn sách?”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, những câu hỏi nói trên được anh nêu ra nhiều lần trong các buổi tọa đàm về văn hóa đọc, và kết quả không có sự chênh lệch đáng kể. Tương tự, cũng có thể “đong đếm” thói quen đọc của học sinh, sinh viên qua kết quả cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trong những năm gần đây. Cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi, số lượng học sinh, sinh viên tham gia tăng theo từng năm. Nếu năm 2019, cuộc thi thu hút 536.557 học sinh, sinh viên tham gia thì tới năm 2020 đã có hơn 1 triệu học sinh, sinh viên gửi bài dự thi. Song, nếu thẳng thắn nhìn nhận thì với số lượng hơn 20 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước, dường như con số nói trên vẫn là "ít ỏi".
Ở thời đại “bội thực” thông tin như hiện nay, độc giả có xu hướng tìm đến những nội dung ngắn, dễ hiểu, đọc nhanh trong khi việc đọc sách đòi hỏi sự tập trung và tính liên tục ở mức nhất định. Nếu không có niềm yêu thích, thật khó để duy trì sự tập trung, liên tục ấy. Nhà thơ Hữu Việt khẳng định, đọc sách nên trở thành một thói quen, mà thói quen thì phải được bắt đầu tạo lập từ khi còn nhỏ. Ngay khi những đứa trẻ còn chưa có nhu cầu đọc thì chúng phải được thưởng thức việc đọc thông qua nghe, xem, từ đó khơi gợi hứng thú và việc đọc dần trở thành nhu cầu hằng ngày.
Nghe, xem giờ đây cũng là một cách đọc sách đối với người trưởng thành, khi sách điện tử, sách nói đang ngày một phát triển. Có những bạn trẻ cho rằng, dường như có nhiều người hiện đang nhầm lẫn 2 điểm, đó là họ luôn đồng nhất việc đọc sách là đọc một cuốn sách giấy, và cho rằng đọc sách chính là đọc truyện. Giới trẻ ngày nay đã khác nhiều, thay vì cầm một cuốn sách giấy, họ có thể đọc ebook, rẻ hơn và đi đâu cũng có thể mang theo dù hiện nay các đầu sách điện tử chưa được phong phú, đặc biệt là sách tiếng Việt. Tương tự, các đầu sách hiện nay rất đa dạng, độc giả có thể đọc sách về du lịch, kinh tế, sách hướng nghiệp, sách hướng dẫn rèn luyện bản thân, sách nuôi dạy con... Chia sẻ về điều này, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng: “Thế hệ chúng tôi ngày xưa có thể say mê văn học Nga, văn học Pháp kinh điển một thời, thì ngày nay các bạn trẻ quan tâm đến tản văn, quan tâm đến những trang sách mang tính trải nghiệm, khám phá, được thử và được... sai của những tác giả đồng thế hệ”.
Cùng quan điểm “đứng về giới trẻ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương cho biết, có những cuốn sách kinh điển từng được vô số người đọc thì nay có thể sẽ không được độc giả quan tâm. Cũng đừng cho rằng thể loại được thanh niên, thiếu niên ngày nay mê đọc như tản văn, truyện tranh là xấu, là không phù hợp. Bất cứ trang sách nào cũng chỉ có thể hấp dẫn khi người ta thấy phù hợp và yêu thích. Tuy nhiên, khi đứa trẻ dần lớn lên thì cần hướng đến những cuốn sách có giá trị giáo dục và thẩm mỹ thay vì đọc sách chỉ để giải trí. Làm được điều này, trước hết cần xây dựng một danh sách khuyến nghị gồm những tác phẩm nền tảng phù hợp với từng độ tuổi để khuyến khích việc đọc, sau nữa là phát triển các không gian sách, tổ chức các buổi sinh hoạt về sách lành mạnh, thường xuyên cho thanh niên. Mỗi người quan tâm nhiều hơn đến việc đọc sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến những người xung quanh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.