Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thanh niên tình nguyện trên đất nước Triệu Voi

Linh Nhi| 12/08/2013 06:21

(HNM) - Năm 2013 là năm thứ 7 liên tiếp Thành đoàn Hà Nội tổ chức đoàn sang hoạt động tình nguyện tại vùng khó khăn trên nước bạn Lào.

Vượt qua chặng đường gần một nghìn ki lô mét từ Hà Nội đến với một huyện nghèo của Viêng Chăn (Lào) bằng ô tô, 45 thành viên đoàn thanh niên tình nguyện Thủ đô đều đã thấm mệt. Song, vừa đến Trường Sổm xa vạt (huyện Parkngam), cách Thủ đô Viêng Chăn hơn 60km, các tình nguyện viên nhanh chóng sắp xếp nơi ăn chốn nghỉ. Vừa lúi húi quét dọn các phòng học cũng là nơi nghỉ của đoàn trong thời gian làm tình nguyện tại đây, các nữ tình nguyện viên vừa nhanh chóng sắp xếp hành lý, "lôi kéo" các nam tình nguyện viên căng dây phơi quần áo, kê gọn những dãy bàn ghế để làm chỗ ngủ. Mọi công việc "nội vụ" hoàn tất chỉ trong một tiếng đồng hồ, vừa lúc các tình nguyện viên người Lào (là du học sinh ở Việt Nam về nước nghỉ hè và một số giáo viên) tham gia phiên dịch cho đoàn tình nguyện Việt Nam cũng đã có mặt. Vừa quen nhau song họ đã như thân thiện tự bao giờ, í ới gọi nhau sửa soạn bếp núc, người chẻ củi, người nhóm bếp, nhặt rau, chế biến thức ăn và cùng nhau nấu nướng, chỉ một loáng bữa ăn khá tươm tất đã được bày lên. Câu "Việt - Lào xa ma ki" (Việt - Lào đoàn kết) được các tình nguyện viên hai nước nói nhiều trong bữa ăn. 

Các bác sĩ trong đoàn tình nguyện khám bệnh cho người dân Lào.


Trong 4 ngày "cắm chốt" tại ngôi trường Sổm xa vạt, đoàn thanh niên tình nguyện thường thức khuya, dậy sớm để lo mọi việc, trong giờ hành chính họ là giáo viên, bác sĩ, họa sĩ, chuyên gia…, ngoài giờ, họ lại trở thành đầu bếp, dọn dẹp làm vệ sinh nơi ở. Vất vả là thế song ai cũng thấy vui. Anh Đào Tiến Dũng, Bí thư Đoàn thanh niên Bưu chính - Viễn thông Hà Nội được khen khéo tay, vì ở nhà không phải nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo bằng tay bao giờ, song tham gia đoàn tình nguyện, anh trở thành đầu bếp giỏi, có thể xoay xở với nồi cơm cho gần 70 người ăn và cùng chị em rửa hàng trăm chiếc bát đĩa. Là lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghệ thông tin Vstar, ở Việt Nam Nguyễn Đắc Tình chỉ quen "làm bạn" với máy tính, song sang Lào làm tình nguyện, anh vừa là chuyên gia công nghệ thông tin, chuyển giao trang web cho Thành đoàn Viêng Chăn do chính anh lập, lại vừa là một thầy giáo sôi nổi, năng động, dạy tiếng Việt, dạy hát, dạy dân vũ cho thanh thiếu nhi Lào. Các anh, chị Nguyễn Sỹ Trường - Chủ tịch Hội LHTN Hà Nội, Phạm Thanh Long - cán bộ Ban Tuyên giáo Thành đoàn, Lê Thị Diệp - cán bộ Ban Đoàn kết Thành đoàn, trở thành người đa năng, từ đi chợ, nấu ăn, cho đến sắp xếp từng bữa ăn, giấc ngủ cho từng thành viên đoàn tình nguyện, đồng thời họ cũng là những "thợ sơn" giỏi khi trang trí kẻ vẽ lớp học, hay chu đáo mang từng cốc nước cho các bác sĩ đang khám bệnh cho người dân.

Đồng hành với các tình nguyện viên Hà Nội hoạt động tại huyện Parkngam còn có hơn chục tình nguyện viên Lào, là sinh viên các trường đại học ở Việt Nam về nước nghỉ hè hoặc giáo viên ở Thủ đô Viêng Chăn. Cũng giống như các tình nguyện viên Việt Nam, họ coi đây là một cơ hội được đóng góp kiến thức, công sức của mình vì cộng đồng, vì tình đoàn kết anh em hai nước Việt - Lào. Bạn Ole Bouabane chia sẻ: Em học ngành môi trường tại Đại học KHXH và Nhân văn TP Hồ Chí Minh năm cuối, được tham gia cùng đoàn tình nguyện, làm phiên dịch, trợ giúp khám bệnh, phổ biến kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho bà con mình, em rất vui. Qua các hoạt động tình nguyện, em và các bạn thấy mình trưởng thành hơn và hiểu được sâu sắc hơn tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ cùng chung tay xây đắp tình hữu nghị Việt - Lào xa ma ki…

Trải nghiệm để cống hiến nhiều hơn

Khi đoàn tình nguyện có mặt tại huyện Parkngam, nơi đây đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết. Song, dịch bệnh không làm nản lòng các tình nguyện viên. Trước hoàn cảnh của hai mẹ con chị Chanh Sauda (28 tuổi, con nhỏ 2 tuổi) đều đang bị sốt xuất huyết, sau khi ân cần khám bệnh, cấp thuốc, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng đã tặng chị Chanh Sauda lọ kem chống muỗi mang theo để dùng. Hành động của bác sĩ Hằng để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân và các bạn tình nguyện viên người Lào. Song điều đáng nói hơn là không chỉ bác sĩ Hằng làm như thế, tất cả các tình nguyện viên đều dành hết tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của mình với hoạt động tình nguyện. Bởi thông qua các hoạt động tình nguyện, họ được trải nghiệm, đối diện với khó khăn, được thể hiện lý tưởng sống và tự hoàn thiện bản thân, thỏa mãn khát khao cống hiến.

Thực tế, các hoạt động tình nguyện của Thành đoàn tại nhiều địa phương khó khăn trong nước nói chung hay trên đất Lào nói riêng không chỉ chứa đựng ý nghĩa chính trị xã hội nhân văn cao cả, mà còn khơi dậy, phát huy tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhân lên tình đoàn kết giữa các địa phương, vùng miền và hai nước láng giềng anh em. Đáng mừng nữa là, khi tham gia hoạt động tình nguyện, các tình nguyện viên tự hào, còn người dân địa phương càng thấy phấn khởi, vui mừng hơn; bởi những gì đoàn tình nguyện mang đến giúp họ nhận thức rõ cần cố gắng hơn để thay đổi cuộc sống của chính mình. Chị Sang Dao, 46 tuổi, ở làng Sổm xa vạt phấn khởi nói: "Nhà mình nuôi nhiều trâu bò, nhưng chỉ nuôi thả tự nhiên nên chúng hay mắc bệnh và chết, có lúc chết vài con một lúc, xót lắm. Nhưng hôm nay được học lớp tập huấn cách chăm sóc, chữa bệnh cho trâu bò, mình đã hiểu cách làm cũ của mình đều sai, mình sẽ rút kinh nghiệm để chăm sóc chúng đúng cách. Mình đã ghi chép đầy đủ những gì các bạn tình nguyện viên hướng dẫn để về bảo cho bà con cùng làm theo".

Với mong muốn mang đến những việc làm thiết thực nhất cho bà con, không chỉ phổ biến kiến thức, lý thuyết "suông" nhiều nhóm tình nguyện viên "lặn lội" đi bộ xuống các hộ dân ở các bản trong huyện Parkngam để chỉ cho bà con thực hành kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Tại nhà của bà Chắn, khi đoàn tình nguyện viên đến phổ biến cách trồng nấm ăn, người dân kéo đến khá đông, cùng chăm chú lắng nghe cô sinh viên tiêu biểu của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Thị Huyền tự tay pha trộn nguyên liệu, hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng nấm. Mọi người vui mừng phấn khởi vì họ đã có cách để thoát nghèo với hy vọng trồng được những mẻ nấm năng suất, chất lượng để bán ra thị trường. Với ý nguyện "cháy" hết mình với việc làm tình nguyện, Huyền lặn lội cùng nhiều nông dân huyện Parkngam xuống đồng ruộng, xem cách thức trồng cấy và phổ biến kiến thức cho bà con nông dân, giúp họ nhận thức rằng không nên bón phân tươi cho rau sẽ có nhiều sán ăn vào gây bệnh; biết cắt, tỉa, bón phân định kỳ để cây ăn quả cho năng suất cao; biết loại bỏ những cây, lá bị bệnh để cây hoa, rau, quả phát triển tốt; biết cách gieo mạ không quá dày và không để ruộng mạ bị khô, làm mạ già, chết khi chưa kịp nhổ đi cấy…

Cách đó vài ki lô mét, tại nhà ông Khên, một lão nông trong huyện, có khá đông người dân đến nghe chuyên gia Sở Nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Thị Minh Phương phổ biến kiến thức về cách chăm sóc gia súc, gia cầm, phòng chữa bệnh, tích trữ thức ăn cho trâu bò. Trong khi Phương tất bật tự tay cắt rơm, hòa dung dịch hóa chất, nén, ủ và phổ biến kiến thức, người dân chăm chú nghe, ghi chép. Theo phiên dịch viên người Lào Viengkeo Vongnakhon, người dân nơi đây bày tỏ lòng cảm ơn rất nhiều với các thanh niên tình nguyện, đặc biệt họ rất mong ước các tình nguyện viên sẽ quay lại với họ thêm nhiều lần nữa…

Nguyện vọng của người dân huyện Parkngam cũng là mong muốn của các tình nguyện viên Việt - Lào, cũng là quan điểm chung của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân đất nước Triệu Voi tươi đẹp. Như lời nói cảm động của Bí thư Thành đoàn Viêng Chăn Buntham Butthavongxa với các lãnh đạo Thành đoàn, đoàn tuổi trẻ tình nguyện Thủ đô Hà Nội tại buổi chia tay, kết thúc đợt tình nguyện của đoàn: "Trên thế giới này, không có nơi đâu tình cảm sâu nặng, gắn bó, keo sơn, khăng khít như hai đất nước Việt - Lào anh em".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thanh niên tình nguyện trên đất nước Triệu Voi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.