Theo ông Phạm Minh Tuyên, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Hội đồng Bầu cử, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được Bộ Chính trị chỉ đạo rất sớm.
Ngay từ tháng 3-2010, Bộ Chính trị đã giao cho Đảng đoàn Quốc hội xây dựng một đề án tổng thể và những vấn đề cụ thể về bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đến ngày 16-2, các tỉnh, thành phố đã thành lập xong Ủy ban Bầu cử. Đối với các cơ quan trung ương, trong phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn của mình, những văn bản cần thiết để hướng dẫn cuộc bầu cử cũng đã hoàn tất.
* Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, đại biểu HĐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011-2016. Theo quyết định, Ban chỉ đạo bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh, đại biểu HĐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2011-2016 gồm 17 đồng chí. Đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy làm trưởng ban. Tại phiên họp đầu tiên, Ban chỉ đạo bầu cử TP Hồ Chí Minh đã thống nhất kế hoạch: Dự kiến ngày 24-2 sẽ diễn ra hội nghị hiệp thương lần thứ nhất (cho cả bầu cử ĐBQH và HĐND); ngày 21-3, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai đối với bầu cử ĐBQH và đối với bầu cử đại biểu HĐND là ngày 23-3; Hội nghị hiệp thương lần thứ ba (cho cả bầu cử ĐBQH và HĐND) sẽ tổ chức ngày 13-4. Ngày bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp sẽ tiến hành vào chủ nhật, ngày 22-5. Dự kiến TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 5,6 triệu cử tri/7,5 triệu dân, tăng khoảng 1,3 triệu cử tri so với đợt bầu cử năm 2007. Dự kiến có khoảng 3.500 khu vực bỏ phiếu (tăng 400 khu vực) và trung bình mỗi khu vực có 300-400 cử tri tham gia bầu cử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.