Theo Thông tư của Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức, hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, chậm nhất ngày 16/2/2011, các địa phương phải thành lập xong Ủy ban bầu cử các cấp.
Bộ Nội vụ thống nhất quy định về thời hạn thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (UB bầu cử) cấp tỉnh, huyện, xã chậm nhất 95 ngày trước ngày bầu cử, tức là chậm nhất ngày 16/2/2011, địa phương phải thành lập xong UB bầu cử các cấp.
Việc thành lập UB bầu cử cấp tỉnh, huyện, xã sẽ do UBND cấp tỉnh, huyện, xã quyết định sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) cùng cấp.
UB bầu cử cấp tỉnh có từ 21 – 31 người, cấp huyện gồm từ 11 – 15 người và cấp xã từ 9 – 11 người là đại diện của Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQ, một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội từ 9 - 15 người
Thông tư cũng hướng dẫn thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Ban bầu cử đại biểu HĐND tại mỗi đơn vị bầu cử. Trong đó, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội bao gồm 9 – 15 người, do UBND tỉnh, thành phố quyết định thành lập sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban thường trực UBMTTQ cùng cấp. Thời hạn thành lập chậm nhất là ngày 23/3/2011.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp sẽ tiến hành vào Chủ nhật, 22/5/2011.
Tương tự Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã tại mỗi đơn vị bầu cử cũng được giao cho UBND các tỉnh, huyện, xã quyết định, thời hạn thành lập chậm nhất là ngày 7/4/2011.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải tiến hành thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND (Tổ bầu cử). Cụ thể, Tổ bầu cử tại mỗi khu vực bỏ phiếu để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp sẽ do UBND xã quyết định. Tổ bầu cử có từ 11 – 21 người, bao gồm đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tập thể cử tri ở địa phương. Chậm nhất là ngày 17/4/2011 phải thành lập xong Tổ bầu cử.
Riêng đối với đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì Ban bầu cử kiêm nhiệm vụ của Tổ bầu cử.
Còn tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND sẽ theo hướng dẫn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.