(HNM) - Trong tiến trình cải cách tư pháp, chủ trương TAND sơ thẩm tổ chức không theo cấp hành chính đã được đề cập trong Nghị quyết của Bộ Chính trị là vấn đề đã được các đơn vị liên quan quán triệt.
Ông Trịnh Xuân Toản (Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ) cho biết, đổi mới tổ chức tòa án theo chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam đến năm 2015 xác định rõ "tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế XHCN, chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân".
Mô hình TAND gồm 4 cấp: Sơ thẩm khu vực, cấp tỉnh, cấp cao và tối cao thay cho mô hình xét xử hiện hành đang được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ bàn thảo, xây dựng. Theo đó, tòa án sơ thẩm khu vực làm việc theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính được xác định sẽ tổ chức ở một hoặc vài đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, từ khảo sát, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn cho thấy, việc thành lập sẽ kéo theo nhiều vấn đề, trong đó có lo ngại về hạn chế khả năng tiếp cận công lý của công chúng do "cách trở về địa lý giữa khu dân cư và tòa án" ở một số địa bàn.
Theo TS Tô Văn Hòa (Đại học Luật Hà Nội), một hệ thống tòa án nếu không có khả năng giải quyết một cách kịp thời các tranh chấp cho dù là nhỏ của người dân thì cũng không phải là cơ quan xét xử hiệu quả. Do đó, nếu không tính kỹ, sẽ đẩy tòa sơ thẩm xa dân.
Thế nhưng, nếu so sánh giữa mục tiêu đạt được và hạn chế nêu trên, cái lợi khi tổ chức tòa án sơ thẩm khu vực là rất lớn. Hiện nay, khi giải quyết các vụ án hành chính, các thẩm phán tòa cấp huyện phải chịu sức ép nhất định bởi người bị kiện là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước địa phương. Báo cáo của ngành tòa án hằng năm cho thấy, án hành chính có số lượng ít nhất nhưng tỷ lệ cải sửa lại cao nhất. Điều đó phản ánh một thực tế, tính độc lập trong xét xử của hệ thống tòa án hiện nay còn hạn chế. Vì vậy, mô hình TAND sơ thẩm khu vực sẽ khắc phục được quan niệm TAND cấp huyện thuộc hệ thống cơ quan hành chính, bị phụ thuộc nên khó độc lập trong xét xử. Bên cạnh đó, việc dàn trải cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực ở các tòa cấp huyện cũng gây lãng phí, không nâng cao được chất lượng xét xử. Trong khi nhiều trụ sở không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, không tạo được tính uy nghiêm của pháp đình thì việc nhập lại thành tòa sơ thẩm khu vực sẽ tốt và tập trung hơn.
Tại hội thảo "Mô hình tổ chức cơ quan tư pháp - kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam" do Bộ Tư pháp tổ chức đầu tháng 5-2013, nhiều dẫn chứng cho thấy, ở một số nước Châu Á, ngoài 4 cấp TAND gồm tối cao, cấp cao, trung cấp, sơ cấp gần tương tự như trên, các tòa sơ cấp còn thành lập "chân rết" trực thuộc là các TAND ở thị xã, thị trấn và thôn bản nằm dưới cấp huyện để đưa tòa án đến gần với dân hơn. Đây là mô hình khá hợp với điều kiện ở Việt Nam. Vì theo khảo sát, với thực tế hệ thống giao thông hiện nay, tại các tỉnh có nhiều huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, để người dân đến được tòa sơ thẩm khu vực là rất vất vả. Khi chủ trương xét xử không theo cấp hành chính được triển khai, có nơi bà con phải đi khoảng 100km mới có thể đến được tòa khu vực. Đơn cử, theo kế hoạch, hai huyện Nam Trà My và Bắc Trà My của Quảng Nam sẽ có một tòa sơ thẩm khu vực nằm ở Bắc Trà My. Nếu người dân một xã vùng cao của Nam Trà My đến tòa thì sẽ không thể đi về trong một ngày vì nhiều đoạn không có đường ô tô. Trong khi đó, quá trình tố tụng phải triệu tập đương sự nhiều lần, mỗi lần đi lại cách trở như thế, chắc chắn không chỉ đương sự mà lực lượng dẫn giải cũng sẽ rất vất vả. Do đó, cần giữ lại những trụ sở TAND huyện cũ để tiếp tục sử dụng thành chi nhánh của tòa sơ thẩm khu vực. Khi người dân cần giải quyết những vấn đề pháp lý nhỏ thì đến đây, khi gặp những vấn đề lớn mới đến tòa sơ thẩm khu vực. Nếu đổi mới hoạt động và tổ chức tòa án theo hướng này, chắc chắn hoạt động ngành tòa án ở cấp cơ sở sẽ không có xáo trộn nhiều, cơ quan công tố cũng có thêm cơ sở vững chắc để xây dựng "nền tư pháp gần dân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.