Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành lập hội đồng đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

Gia Phong| 12/09/2017 17:23

(HNMO) - Chiều 12-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố Hà Nội chủ trì cuộc giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của thành phố Hà Nội chủ trì cuộc giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố.


Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tuần qua (từ ngày 4 đến 10-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.325 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 1.244 trường hợp so với tuần cao điểm). Các quận, huyện trọng điểm cũng ghi nhận số ca mắc giảm từ 40 đến 100 ca/tuần như: Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy... Bên cạnh đó, một số nơi như: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên ghi nhận số mắc tăng từ 10 đến 20 ca/tuần. Đến nay, toàn thành phố ghi nhận hơn 27.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, dù dịch đã có dấu hiệu chững lại nhưng do thời tiết nắng - mưa thất thường, một số huyện có số ca mắc tăng nếu công tác chống dịch không tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết vẫn thể hiện sự yếu kém ở 2 khâu, đó là diệt bọ gậy và phun hoá chất chưa triệt để. Cụ thể, công tác xử lý ổ dịch có nơi chưa đúng quy định, nhiều dụng cụ chứa nước còn có ổ bọ gậy. Mặt khác, đội xung kích hoạt động chưa đúng yêu cầu, tổ giám sát không nói rõ kết quả giám sát, chưa có hoạt động giao ban giữa đội xung kích và tổ giám sát...

Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cũng cho rằng, qua kết quả giám sát tại 8 xã/phường của 8 quận/huyện, ở nhiều nơi, tỷ lệ phun hoá chất đạt rất thấp, số hộ gia đình có ổ bọ gậy còn cao. Cụ thể, tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai), tỷ lệ phun đạt 70% số hộ dân, 15% số hộ còn ổ bọ gậy; tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), tỷ lệ phun đạt 65%, 15% còn sót ổ bọ gậy; tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), tỷ lệ phun đạt 55%, 40% còn sót ổ bọ gậy; tại phường Khương Trung (quận Thanh Xuân), tỷ lệ phun đạt 80%, 15% còn sót ổ bọ gậy...

Để chống dịch hiệu quả, theo ông Hoàng Đức Hạnh, Bộ Y tế vừa thành lập Hội đồng gồm 20 giáo sư, trong đó có sự tham gia của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) và GS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế được bầu là Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng này cũng đã họp nhằm xem xét, đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố hiện tại và tương lai để tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp. "Hiện tại, thành phố có 40 máy phun mù nóng, bảo đảm ít nhất mỗi quận/huyện có 1 máy loại này. Thời gian tới, công tác diệt bọ gậy và phun hoá chất tiếp tục được triển khai quyết liệt. Riêng đối với các huyện có số bệnh nhân bắt đầu tăng lên, tại mỗi ổ dịch cần huy động toàn bộ lực lượng y tế ở tất cả các xã để dập dịch, không để lây lan", ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, tuần qua, các quận/huyện/thị xã và các ngành đã vào cuộc tích cực, kết quả là dịch bệnh đã giảm và có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, xu hướng giảm vẫn còn chậm, trung bình một ngày vẫn ghi nhận 330 bệnh nhân mắc mới. Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho rằng, hiện nay, số ổ dịch vẫn còn hơn 420 ổ dịch. Nếu chúng ta không khống chế, nguy cơ dịch vẫn lây lan và bùng phát. Tuy nhiên, qua kiểm tra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số nơi chưa tốt nên tỷ lệ phun đạt thấp, số hộ gia đình có ổ bọ gậy vẫn cao. Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch. Cụ thể, quận/huyện kiểm tra xã/phường, xã/phường kiểm tra đội xung kích diệt bọ gậy....

Ngoài công tác diệt bọ gậy tại các hộ gia đình, tới đây cần tập trung vào khối cơ quan. Cụ thể, tại các cơ quan cần thành lập đội xung kích diệt bọ gậy và lên danh sách kiểm tra. Nếu từ hộ gia đình đến các cơ quan làm tốt công tác diệt bọ gậy thì dù có mưa nhiều cũng không lo ngại dịch bệnh bùng phát. Còn về công tác phun hoá chất diệt muỗi, Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý cho rằng, phải tiếp tục rà soát từng ổ dịch, xem lại quy trình phun, chất lượng phun, phải ưu tiên phun ở những ổ dịch mới và phun tập trung ở các xã/phường trọng điểm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành lập hội đồng đánh giá toàn bộ công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.