Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 767/QĐ-TTg thành lập Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ của CBCC. |
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 767/QĐ-TTg thành lập Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp để giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Cục Bồi thường nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; có trụ sở làm việc tại thành phố Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bồi thường nhà nước.
Quản lý nhà nước về công tác bồi thường có đối tượng rộng lớn, bao gồm hàng vạn đầu mối là các cơ quan nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý hành chính ở trung ương và cấp tỉnh, huyện, xã; các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án. Nội dung quản lý nhà nước về công tác này phong phú, có tính chất chuyên sâu, phức tạp và đòi hỏi cần phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời.
Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường. (Trích Điều 5 - Nghị định 16/2010/NĐ-CP) |
Vì vậy, việc thành lập đơn vị chuyên trách là Cục Bồi thường nhà nước trực thuộc Bộ Tư pháp sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường.
Đối với người bị thiệt hại, việc thành lập Cục Bồi thường nhà nước sẽ thiết lập một địa chỉ thuận lợi để cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tìm đến khi cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình.
Theo số liệu chưa đầy đủ từ tổng hợp của 43/63 địa phương, sau một năm thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có 308 đơn yêu cầu bồi thường, trong đó 220 vụ việc đã được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thụ lý giải quyết. Riêng trong hoạt động thi hành án dân sự, tính đến ngày 25/9/2010 đã có 58 vụ việc được thụ lý.
Thời gian tới, dự báo số vụ yêu cầu bồi thường nhà nước sẽ gia tăng đáng kể khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực (1/7/2011) do phạm vi giải quyết vụ án hành chính của toà án được mở rộng, đặc biệt là quy định hồi tố cho phép khởi kiện vụ án hành chính đối với hành vi, quyết định quản lý hành chính về đất đai từ năm 2006.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.