(HNM) - Đã gần hai tháng sau cuộc bầu cử Quốc hội nhưng nước Đức vẫn chưa thành lập được nội các mới.
Trong bối cảnh đảng Xanh từ chối tiếp tục các cuộc đàm phán với CDU/CSU vào giữa tháng 10 vừa qua do hai bên có những bất đồng không thể hóa giải, CDU/CSU chỉ còn đảng Dân chủ Xã hội (SPD) là đối tác tiềm năng duy nhất. Nhưng, tín hiệu thu được từ các cuộc đàm phán kéo dài suốt 3 tuần qua giữa hai đảng có số ghế nhất, nhì trong Quốc hội Đức vẫn rất mờ mịt.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel tới bàn đàm phán ở Berlin nhằm thành lập nội các mới. |
Dù SPD không còn đề cập tới việc tăng thuế đánh vào những người có thu nhập cao - điểm xung đột chính giữa SPD và CDU/CSU song các tài liệu nội bộ của SPD cho thấy, đảng này vẫn duy trì 10 điểm "không thể thay đổi" trong các cuộc đàm phán với CDU/CSU. Đáng chú ý là các biện pháp áp dụng mức lương tối thiểu 8,50 euro/giờ, chi trả bình đẳng giữa nam và nữ, đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và một chiến lược chung nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). SPD yêu cầu mức lương hưu bình đẳng giữa hai miền Đông và Tây Đức, đầu tư lớn hơn cho việc chăm sóc người cao tuổi cũng như đề nghị áp dụng quy chế quốc tịch kép ở Đức… Trong số những đề nghị của SPD thì mức lương tối thiểu đang gây nhiều tranh cãi nhất. Nhiều cơ quan nghiên cứu kinh tế hàng đầu cảnh báo: Đề xuất của SPD sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm hàng loạt tại Đông Đức, nơi 1/4 lao động có thu nhập thấp hơn nhiều so với mức lương tối thiểu SPD đưa ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách an sinh mà đảng của bà A.Merkel từng duy trì khá tốt trong 2 nhiệm kỳ nắm quyền…
Việc phân chia các vị trí trong nội các tương lai cũng nảy sinh tranh cãi. Mặc dù SPD không công khai những vị trí mong muốn nhưng dư luận cho rằng, đảng này muốn sở hữu ít nhất 6/15 ghế của nội các mới. Trong đó có vị trí đầy quyền lực là chiếc ghế Bộ trưởng Tài chính, hiện đang do ông Wolfgang Schaeuble của CDU/ CSU nắm giữ. Đây vị trí chủ chốt quyết định các vấn đề liên quan tới cuộc hóa giải khó khăn chưa có hồi kết của cuộc khủng hoảng ở Eurozone. Hiển nhiên là Thủ tướng A.Merkel không muốn bàn giao chiếc ghế quyền lực này cho SPD bởi trong cương lĩnh tranh cử, đảng này từng cho rằng chính sách thắt lưng buộc bụng không phải là liều thuốc tốt cho kinh tế Châu Âu - một quan điểm đi ngược lại với những chính sách mà CDU/CSU triển khai suốt thời gian qua.
Ngoài ra, còn một rào cản đáng kể nữa ngáng trở quá trình thành lập chính phủ liên minh đó là yếu tố tâm lý. Kể từ khi nữ Thủ tướng A.Merkel lên nắm quyền tới nay, dường như "vận rủi" thường rơi vào đảng phái chấp nhận liên minh với CDU/CSU trong chính phủ. SPD đã nếm trái đắng sau khi bắt tay thành lập "đại liên minh" với CDU/CSU những năm 2005-2009. Hết nhiệm kỳ, SPD đã gánh chịu kết quả bầu cử Quốc hội tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng Dân chủ tự do (FDP) - đối tác liên minh của bà A.Merkel nhiệm kỳ 2009-2013, thậm chí còn không đạt tỷ lệ phiếu bầu tối thiểu 5%, và lần đầu tiên từ năm 1949 bị loại khỏi Hạ viện liên bang.
Giới quan sát e rằng các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh có thể sẽ không có kết quả trước Giáng sinh như CDU/CSU mong muốn. Nếu vậy, người Đức sẽ thêm mệt mỏi và các thành viên khác của Liên minh Châu Âu (EU) không khỏi lo ngại. Vì, sự trì hoãn thành lập chính phủ ở Đức sẽ ảnh hưởng tới những quyết định về tài chính đối phó với cuộc khủng hoảng ở Eurozone cũng như dự án đầy tham vọng về thành lập liên minh ngân hàng Châu Âu đang được giới tài chính Lục địa già quan tâm.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số người Đức hy vọng CDU/CSU và SPD sớm thành lập một chính phủ ổn định để lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất Châu Âu trong 4 năm tới. Dù vậy, để ước muốn của người dân Đức thành hiện thực, cả CDU/CSU và SPD cần phải vượt qua không ít hoài nghi, lo ngại lẫn phản đối từ nội bộ và bên ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.