Sáng ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Cao Đức Phát đã làm việc và thị sát công tác phòng chống bão số 3 tại tỉnh Thanh Hóa, đồng thời chỉ đạo đưa 8 ngư dân đang kẹt trên biển vào bờ.
Sẵn sàng ứng phó với bão số 3
Vào lúc 21h ngày 29/7, tại cửa Lạch Sung có 2 tàu/8 lao động của xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), trên đường vào bờ tránh, trú bão đã bị gãy chân vịt, cách bến khoảng 3km. Tỉnh đã chỉ đạo bộ đội Biên phòng điều phương tiện, lực lượng ra cứu hộ. Hiện tàu đã thay thế xong chân vịt, nhưng do nước cạn, chưa vào bờ được. Khi nước lên các lực lượng cứu hộ sẽ đưa tàu vào bờ tránh, trú bão.
Người dân ven biển Ngư Lộc, Hậu Lộc chằng chống tài sản
Tính đến 8h sáng ngày 30/7, tất cả 8.568 tàu thuyền với 28.500 lao động đã có thông tin liên lạc, đồng thời biết tin về bão số 3. Trong đó 8.107 phương tiện với 26.158 lao động đã về trú ẩn an toàn ở các bến trong tỉnh.
Có 236 phương tiện với 1.486 lao động trú tránh bão ở các khu vực: Đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh), Nam Định, Ninh Bình. Các phương tiện trên vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình và địa phương.
Theo thống kê, Thanh Hóa có 12.634 hộ dân với 61.100 người trong phạm vi 200m và 17.168 hộ với 72.523 người trong phạm vi từ 200 - 500 phải sơ tán. Miền núi có 386 khu vực, 4.581 hộ dân với 20.485 người nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Sáng ngày 30/7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công điện số 15, yêu cầu các huyện ven biển kiểm tra, rà soát và chủ động sơ tán dân tại các vị trí nguy hiểm. Tổ chức sơ tán triệt để dân trong phạm vi 200m tính theo mép nước tại 13 xã với số lượng 6.239 hộ với 32.506 người xong trước 12h ngày 30/7.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết, theo tin từ bộ đội Biên phòng thì hiện tại 8 ngư dân đang trên đường vào bờ. Huyện chỉ đạo công tác ứng phó với bão rất quyết liệt. Hiện tại mọi phương án phòng chống bão đã sẵn sàng.
Xử lý khẩn trương đoạn đê xung yếu
Sáng ngày 30/7, BCĐ PCLB tỉnh đã cử GĐ Sở NN & PTNT trực tiếp xuống hiện trường đoạn đê cửa tả sông Yên thuộc các xã Quảng Nham, Quảng Thạch (Quảng Xương) đang thi công dở để chỉ đạo đắp trả lại mặt bằng những điểm xung yếu, đồng thời yêu cầu UBND huyện Quảng Xương hỗ trợ lực lượng tại chỗ để tham gia xử lý xong trước 12h ngày 30/7.
Thanh Hóa có 34 hồ đập lớn và vừa, trong đó có 10 hồ đập đã tích đầy nước. Có 107 hồ đập nhỏ không đảm bảo an toàn, tỉnh đã chỉ đạo không được tích nước 18 hồ và 89 hồ chỉ tích nước một phần.
Sở Công thương đã có kế hoạch dữ trữ về lương thực và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho nhân dân các huyện miền núi và các vùng dễ bị cô lập, chia cắt khi có mưa lũ, với số lượng: gạo tẻ 590 tấn; mỳ tôm 10.550 thùng; nước uống 1.760 thùng; muối i ốt 1.000 tấn; ni lon, vải bạt 36.500m2; dầu hỏa 206 tấn; xăng dầu 1.605.000 lít…
Về phương tiện cứu hộ, cứu nạn với 1 tàu công suất 74CV, 101 ca nô, xuồng máy; 188 ô tô tải; 219 ô tô tự đổ; 60 máy xúc; 5 cần cẩu, 233 nhà bạt…
Ngoài ra UBND tỉnh cũng chỉ đạo kiểm tra công tác hồ đập, phòng chống úng, huy động lực lượng vũ trang, đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc…và một số biện pháp cấp bách về sơ tán dân, neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão, đảm bảo an toàn về người và tài sản trên các công trình xây dựng bảo vệ đê điều, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men…
Hiện cao trình hồ chứa nước Cửa Đạt là 97,45m, dung tích nước 720 triệu m3/1,5 tỷm3 dung tích của hồ. Dự kiến cao trình tích nước của hồ khoảng 100 -101m. Hồ có dung tích cắt lũ 300 triệu m3 nước.
Người dân các xã sát mép nước đã được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm
Tuyến đường Hồi Xuân - Mường Lát dài khoảng 100km đang thi công nhưng thiếu vốn. Nếu trong trường hợp mưa to rất dễ xảy ra tình trạng chia cắt. Đây là con đường duy nhất phục vụ dân sinh và an ninh quốc phòng của huyện Mường Lát.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ đạo: “Việc cấp bách nhất là 8 ngư dân đang ở ngoài biển phải đưa vào gấp. Xử lý kịp thời đê ở Quảng Nham, huyện Quảng Xương càng sớm càng tốt. Ngoài ra cần để ý vấn đề tàu thuyền neo đậu tránh trú bão tránh va đập, chìm tàu. Chỉ đạo các địa phương theo dõi sát các hồ đập, nhất là 10 hồ đã chứa đầy nước. Còn đối với kinh phí hỗ trợ làm tuyến đường từ Hồi Xuân đi Mường Lát, nâng cấp tuyến đê xã Quảng Xư, thị xã Sầm Sơn và kinh phí di dời dân cần tính toán cụ thể để Bộ báo cáo Chính phủ. Trong trường hợp cấp bách Bộ sẽ đề xuất Chính phủ phương án hỗ trợ”.
Ngay sau khi họp nắm tình hình, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi thị sát tình hình phòng chống bão của nhân dân và chính quyền tại thị xã Sầm Sơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.