Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành công vì “liên thông ba nhà”

Thống Nhất| 11/12/2014 06:59

(HNM) - Công tác phòng chống tai nạn thương tích (TNTT) cho học sinh (HS) được ngành GD-ĐT Thủ đô xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo thành phố và của ngành, công tác phòng chống TNTT đã có nhiều chuyển biến, tạo môi trường an toàn

- Thưa ông, công tác phòng chống TNTT cho HS đang được triển khai như thế nào tại các trường học?

- Công tác phòng chống TNTT trong trường học ở Thủ đô nhiều năm qua luôn nhận được sự quan tâm của thành phố và sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành. Nội dung phòng chống TNTT không chỉ được đưa vào các giờ dạy chính khóa, mà còn được triển khai thường xuyên ở các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đầu tuần. Vài năm gần đây, phòng chống TNTT được coi là nội dung quan trọng không thể tách rời nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở mỗi nhà trường. Một trường học có thành tích dạy - học tốt thì sức lan tỏa có thể ra cả quận, cả thành phố, nhưng nếu để xảy ra tổn thất về sức khỏe hoặc tính mạng của HS thì không gì có thể so sánh được. Với quan điểm ấy, việc giáo dục ý thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống TNTT cho HS được ngành GD-ĐT đặc biệt coi trọng với những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện từng địa bàn.

Nhà trường - gia đình - xã hội cần phối hợp tuyên truyền giáo dục học sinh nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ.



- Ông đánh giá thế nào về kết quả của công tác phòng chống TNTT của ngành năm học 2013-2014?

- Việc phòng chống TNTT được ngành GD-ĐT quán triệt đến từng trường học với nội dung cụ thể theo yêu cầu nhiệm vụ từng cấp học và thực tế quản lý. Nếu như những năm trước, việc phòng chống bạo lực học đường được tập trung triển khai, thì nay, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm an toàn giao thông, phòng tránh đuối nước và dịch bệnh trong trường học. Một thành phố có gần 1,6 triệu HS, chuyện để xảy ra thương tích là điều khó tránh, song có thể nhận thấy trong vài năm gần đây, tại các trường học không có dịch bệnh; số HS gặp tai nạn nghiêm trọng khi tham gia giao thông hoặc liên quan đến đuối nước được hạn chế nhiều. Đó là thành quả của sự chung tay vào cuộc của cả "ba nhà": Nhà trường - gia đình - xã hội trong việc kiên trì giáo dục, trang bị kỹ năng cho HS.

- Được biết, quy chế phối hợp giữa ngành giáo dục và lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) thành phố đã triển khai được gần một học kỳ. Ông có thể cho biết vài nét về quy chế này?

- Năm học 2014-2015 là năm đầu tiên các trường học trên địa bàn Hà Nội thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT và Sở Cảnh sát PCCC về công tác PCCC với 6 nội dung cơ bản, gồm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; huấn luyện nghiệp vụ về PCCC tại các trường học; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, nghiệp vụ sư phạm theo yêu cầu của các đơn vị theo quy định; tham mưu, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về PCCC, cứu nạn, cứu hộ… Trong đó, nội dung tập huấn về việc phòng hỏa, thoát người đang được tập trung triển khai. Từ đầu năm học đến nay, các lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác PCCC được mở thường xuyên ở cả 30 quận, huyện, thị xã. Hầu hết học viên sau khi tham gia khóa tập huấn đều nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và kỹ năng để bảo vệ an toàn về tài sản của đơn vị, tính mạng của bản thân, đồng nghiệp và HS. Thực tế cho thấy, nguy cơ cháy nổ ở các trường học là rất lớn, vì nơi nào cũng được trang bị hệ thống máy tính, đường điện, thảm, rèm cửa… Ngoài ra, còn có gần 1.300 trường học có bếp ăn bán trú trong trường, chiếm một nửa so với tổng số trường toàn thành phố. Do đó, công tác PCCC tại các nhà trường giữ vai trò quan trọng.

- Thời gian tới, công tác phòng chống TNTT tập trung vào nội dung cơ bản nào, thưa ông?

- Việc HS đi xe đạp điện ngày càng phổ biến. Loại xe này có thể đi với tốc độ khá cao (40 - 50km/giờ), HS điều khiển xe thường không đội mũ bảo hiểm, rất nguy hiểm. Đây là vấn đề mà ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm. Trong học kỳ II, chúng tôi sẽ quán triệt yêu cầu tăng cường phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh trong việc Giáo dục ý thức chấp hành Luật giao thông cho HS, đồng thời phối hợp với lực lượng công an siết chặt chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm, nhất là đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu với thành phố tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, nhất là ở những địa bàn khó khăn, xóa phòng học tạm, học nhờ…; triển khai có chất lượng việc xây dựng "Trường học thân thiện - HS tích cực", tạo điều kiện cho việc dạy - học ngày càng có chất lượng và an toàn hơn.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành công vì “liên thông ba nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.