(HNM) - Vượt qua khó khăn, thách thức, ngay từ cuối năm 2015, huyện Thanh Trì đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếp tục khẳng định những kết quả đạt được, mới đây, Thanh Trì vinh dự là huyện thứ 3 của Hà Nội được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Huyện Thanh Trì ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Anh Tuấn |
Kết quả toàn diện
Sau hơn 6 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Trì đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, nhất là trong văn hóa, giáo dục. Huyện đã tập trung xây dựng, cải tạo và đưa 46 nhà văn hóa vào hoạt động và đến nay 100% các thôn có nhà văn hóa; 100% số xã được phê duyệt quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã; xây dựng thí điểm 2 trung tâm văn hóa xã (Đông Mỹ và Tứ Hiệp) hoạt động có hiệu quả, tiến tới nhân rộng trên địa bàn. Thanh Trì cũng là huyện dẫn đầu về phổ cập bơi trong các trường học. Đến nay, toàn huyện đã đưa vào khai thác hiệu quả 15 bể bơi tại các trường học; đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 24 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện lên 52 trường (đạt tỷ lệ 80%).
Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong 5 năm qua, huyện đã chủ động bố trí 23,61 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất; xây dựng, phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn với diện tích 145ha tại xã Yên Mỹ và Duyên Hà; phát triển chuỗi liên kết thực phẩm rau - thịt trên địa bàn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. Ngoài ra, huyện đã cải tạo, đào đắp, nạo vét 112km kênh mương nội đồng; kiên cố, cứng hóa 51km kênh mương (tăng 19% so với năm 2010); xây dựng mới, cải tạo 250 cống tiêu thoát nước… đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và bảo đảm tiêu thoát trong khu dân cư.
Các làng nghề dệt Triều Khúc (xã Tân Triều); bánh chưng, bánh giầy Tranh Khúc (xã Duyên Hà); miến, bánh đa Phú Diễn (xã Hữu Hòa)…; các vùng đặc sản cam, bưởi, ổi ở xã Vạn Phúc và Yên Mỹ; lúa chất lượng cao ở các xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng; thủy sản ở các xã Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Đại Áng… đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với mức thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của huyện đạt 35,72 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2010; dự kiến, năm 2017 là 40 triệu đồng và đến năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng, Thanh Trì thực sự là vùng nông thôn trù phú. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện giảm xuống dưới 2%; bình quân mỗi năm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 3.000 lao động, và hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đạt 65%...
Khơi dậy sức dân
Có được thành quả hôm nay do huyện Thanh Trì đã khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Huyện đã phát huy và nhân rộng mô hình: “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng, ngõ xóm” với kết quả diện tích đất nhân dân hiến là 11.380m2 và đóng góp 207.482 ngày công lao động. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo hơn 163km giao thông nông thôn, đạt 120% kế hoạch đề ra.
Môi trường là một trong những tiêu chí khó đối với huyện Thanh Trì trong xây dựng nông thôn mới. Để khắc phục, huyện đã triển khai Đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Từ đây, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nhân dân đóng góp gần 12 tỷ đồng để cải tạo môi trường, kè và làm sạch hồ, ao ở các xã: Vĩnh Quỳnh, Hữu Hòa, Đại Áng, Yên Mỹ…
Toàn huyện cũng đã trồng được 14.200 cây xanh trên các trục đường và xung quanh nghĩa trang nhân dân, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; xây dựng và cải tạo 48 điểm tập kết rác tại các thôn, thu gom, vận chuyển 98% lượng rác thải phát sinh trong ngày đến nơi quy định bảo đảm hợp vệ sinh; 8,4km sông Tô Lịch trên địa bàn huyện được cải tạo, làm đường gom, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp hai bên bờ sông… Thành công này có sự đóng góp công sức không nhỏ của nhân dân, trong đó, các hộ sinh sống dọc hai bên bờ sông đã tự giác tháo dỡ hơn 475 công trình xây dựng với nhiều nhà kiên cố, nhà 2 đến 3 tầng; người dân cũng tham gia đóng góp hơn 3.400 công lao động dọn vệ sinh môi trường vào sáng thứ bảy hằng tuần, trồng hoa, cây xanh, thảm cỏ dọc bờ sông...
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Thanh Trì tiếp tục được củng cố và tăng cường; cải cách hành chính được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Ghi nhận những đóng góp của nhân dân và cán bộ huyện Thanh Trì trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Thanh Trì đã nhiều lần được Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội khen thưởng danh hiệu cao quý. Gần đây nhất, năm 2015 và 2016, huyện Thanh Trì liên tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu.
Từ thành công đạt được, huyện Thanh Trì đã đúc rút được kinh nghiệm: Để khơi dậy được sức dân, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, tâm huyết và sâu sát cơ sở; đồng thời tạo sự đồng thuận và tin tưởng để nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Công tác quy hoạch đi trước một bước và phải được nhân dân tham gia bàn bạc, thống nhất thực hiện; quá trình triển khai, huy động và sử dụng tập trung, hiệu quả các nguồn lực; ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân.
Trong thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời phấn đấu xây dựng xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển huyện đồng bộ theo hướng đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.