Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành công nhờ xã hội hóa

Nguyễn Mai| 22/03/2013 06:26

(HNM) - Không phải là xã làm điểm của huyện Từ Liêm, nhưng đến hết năm 2012, xã Minh Khai, đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, với 19/19 tiêu chí đạt chuẩn.

Cách làm ở đây cho thấy, khai thác tốt lợi thế ven đô trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân là đòn bẩy để nâng các tiêu chí khác và giữ gìn thành quả NTM đã đạt được.

Làng văn hóa Ngọa Long, xã Minh Khai.


Năm 2010, xã Minh Khai đã triển khai lập đề án xây dựng NTM với 14 tiêu chí đạt, 4 tiêu chí cơ bản đạt và 1 tiêu chí chưa đạt. Là xã ven đô, các hệ thống giao thông ở Minh Khai cơ bản đã được cứng hóa, tuy nhiên do được xây dựng sớm nên nhiều tuyến đường đã xuống cấp. Năm 2012, Minh Khai đã mở đợt thi đua cao điểm vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM. Ban chỉ đạo xây dựng NTM đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trả lại diện tích lấn chiếm và hiến đất để mở đường giao thông. Kết quả, cả xã đã thu được 33m2 đất thổ cư và 436m2 đất nông nghiệp để mở rộng các tuyến đường. Nhiều hộ gia đình đã phải tháo dỡ cả nhà và công trình phụ. Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ở xóm Mới, khi làm đường chỉ phải lấy vào 1,2m2 đất, nhưng lại liên quan đến ngôi nhà 2 tầng gia đình đang sinh sống. Khi được hỏi vì sao vừa hiến đất, lại vừa tặng gần 90 triệu đồng tiền đền bù tài sản trên đất để ủng hộ Quỹ Chữ thập đỏ của xã, ông Hải cho biết: "Là người dân, chúng tôi đã được chính quyền xã động viên, phân tích các lợi ích sau khi xã đạt NTM. Nhà tôi cũng được lợi, vì mở đường xong, tôi sẽ tu sửa nhà trọ đẹp hơn cho sinh viên thuê, kiếm được nhiều tiền hơn, nên sẵn sàng hiến tặng cho địa phương". Ngoài hiến đất, các hộ còn huy động kinh phí gần 10 tỷ đồng cùng Nhà nước xây dựng các công trình hạ tầng. Có đường khang trang, người dân đã đóng góp lắp đặt 458 bóng đèn chiếu sáng, với tổng kinh phí trên 900 triệu đồng.

Khâu yếu nhất, lực cản lớn trong xây dựng NTM cũng là tồn tại nhiều năm ở Minh Khai, là công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, đã được UBND xã tập trung chỉ đạo, giao 90 đoạn đường tự quản cho các đoàn thể duy trì thực hiện. Từ đó đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng được giữ gìn sạch sẽ.

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Khai Nguyễn Văn Sỹ, thương hiệu "nhà trọ xã Minh Khai" ngày càng được nhiều sinh viên lựa chọn và số người thuê trọ ở đây gần gấp đôi dân số của xã. Theo thống kê, Minh Khai có 3.700 hộ dân với trên 34.000 người, trong đó 19.000 người là dân nhập cư. Ban đầu người dân chỉ xây nhà cấp 4, thấy hiệu quả, nhiều hộ đã đầu tư xây dựng nhà 3-5 tầng, với hàng chục phòng cho thuê. Cũng theo ông Sỹ, sự phát triển mạnh của nghề này là do Minh Khai có lợi thế cạnh tranh: giá phòng hợp lý, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường tốt.

Đến nay, Minh Khai đã hoàn thành xây dựng NTM, song để duy trì thành tích này, thì xã phải bảo đảm được kinh tế người dân ổn định. Xã xác định sẽ hỗ trợ người dân khai thác tiềm năng về phát triển dịch vụ nhà trọ, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân. "Khi người dân có thu nhập tốt sẽ quay lại đóng góp vào phong trào xây dựng NTM nhiều hơn" - ông Sỹ cho hay. Để quản lý hiệu quả hoạt động cho thuê nhà trọ, bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự, xã Minh Khai đang có ý tưởng đưa công nghệ thông tin, khoa học, kỹ thuật vào quản lý như: hệ thống camera để giám sát, kịp thời phát hiện trộm cắp, bảo đảm an ninh trật tự; phối hợp với Tổng cục Dạy nghề mở lớp đào tạo nghiệp vụ quản lý kinh doanh nhà trọ cho người dân... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thành công nhờ xã hội hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.