Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thăng trầm nghề trồng dâu, nuôi tằm

Bạch Thanh| 30/01/2011 07:28

(HNM) - Nằm kề bên con sông Đáy, các xã Đại Hưng, Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức… với những ngôi làng cổ từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, được mệnh danh là "Thủ đô dâu tằm" một thời. Về lại mảnh đất này những ngày áp Tết vẫn còn đó bãi dâu xanh e ấp quanh làng, chỉ có điều những người làm dâu, nuôi tằm đã thưa thớt dần theo thời gian.

Thu hái dâu tằm tại Mỹ Đức. Ảnh: Yến Ngọc

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Mỹ Đức phát triển đến cực thịnh. Chính vì vậy, trong dịp về thăm mô hình trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ của huyện, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng gọi mảnh đất này là "Thủ đô dâu tằm". Hiện nay, dẫu nghề không còn phát triển nhưng nhiều hộ dân trong làng vẫn duy trì nghề truyền thống với tâm nguyện "một đồng, một giỏ không bỏ nghề dâu". Nghề trồng dâu, nuôi tằm không nhàn hạ nhưng cũng giúp cho người dân có nguồn thu nhập đáng kể. Mỗi cây dâu từ lúc trồng xuống đến lúc cho thu hái phải mất ít nhất gần hai năm với khá nhiều công chăm bón. Nhưng trồng dâu vất vả một, chăn tằm vất vả thêm 4-5 lần. Bận rộn nhất là khi tằm ăn rỗi. Người chăn tằm cho biết, con tằm lúc mới nở được gọi là tằm trút nhộng. Sau khoảng 3-4 ngày, tằm chuyển sang màu trắng, rồi lột xác thành tằm tuổi mốt. Ba ngày sau, tằm thành tuổi hai và rồi 3 ngày nữa là tuổi bốn và bước vào thời kỳ ăn rỗi. Mỗi nong mấy trăm con tằm ăn lá dâu rào rào. Dân gian có câu "làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Khi con tằm chín, người chăn tằm sẽ chuyển tằm lên né để tằm làm tổ và nhả tơ.

Trong câu chuyện về "Thủ đô dâu tằm" một thời, những người từng gắn bó với nghề đều phảng phất nỗi buồn. Cả thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng giờ còn hơn trăm hộ trồng dâu, nhưng hộ ươm tằm xe tơ chỉ còn duy nhất nhà anh Đào Văn Hạnh. Đến nhà anh Hạnh đúng ngày Tết ông Công, ông Táo thấy một dãy dài các nong kén úp cao trên giá, chủ nhà giải thích, mùa này đang là mùa đốn dâu, phải ra Giêng, Hai dâu mới lên và khi đó mới vào vụ ươm tằm. Mươi năm trở lại đây, giá cả bấp bênh, công việc lại vất vả, nhiều người không trụ được với nghề. Bà con trồng dâu thì nhiều nhưng để làm trọn vẹn các khâu như xưa giờ chẳng còn ai mặn mà. Anh Hạnh cho biết, làm cả năm được một hai chục triệu đồng. Những ngôi nhà to ở làng này đều của các hộ có người đi làm ăn xa, hoặc làm xay xát làm dệt may… chứ làm tơ, chăn tằm chỉ đủ ăn. Nhiều lúc chán định bỏ nghề nhưng bỏ không biết làm gì.

Theo anh Bùi Văn Thái, Chủ nhiệm HTX NN Đại Hưng, nghề tằm tơ ngày càng mai một. Anh Thái cho biết, lúc hưng thịnh cả xã có tới hơn 70ha dâu, nhà nhà trồng dâu nuôi tằm, xe tơ, vất vả nhưng ai cũng thấy say nghề, tự hào về nghề nhưng những thứ ấy đã nhạt đi rất nhiều. Trước đây, cán bộ Xí nghiệp Tơ tằm Mỹ Đức nằm ngay trên đất Đại Hưng, ngày nào cũng đến từng nhà kiểm tra từng lứa tằm, từng ruộng dâu tốt - xấu thế nào, bươn bả ngược xuôi với nghề. Bây giờ lớp cán bộ như thế ở tất cả các xã trồng dâu ươm tằm lớn của huyện như Tế Tiêu, Phù Lưu Tế, Đại Hưng… mắt đã kém, chân đã run rồi. Cái nghề "ăn cơm đứng" đầu tắt mặt tối nhưng nhờ nó mà người già, trẻ con có việc làm thường xuyên; chả như nay, phải đi làm thuê, kiếm việc khắp nơi. Bà Nguyễn Thị Chén, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Dâu tằm Phù Lưu Tế, một người gắn bó nhiều năm với nghề dâu ở xã Mỹ Đức thở dài, tiếc nuối, giá như xưa, có lúc HTX ươm tơ của bà xuất 5-7 tấn kén mỗi ngày. Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu Tế Nguyễn Thị Sáu, người đã được gặp Bác Hồ tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1962 cũng là người đã cùng lãnh đạo xã đưa nghề dâu tằm Phù Lưu Tế phát triển một thời cho biết, lúc thịnh vượng cả xã trồng hơn 50ha dâu, mỗi năm xuất 30-40 tấn kén, thu nhập từ nghề chiếm trên 30% tổng giá trị. Xí nghiệp Dâu tằm của huyện Mỹ Đức đứng vững trong thời bao cấp phần nhiều là bởi có vùng nguyên liệu ổn định với hàng chục nghìn héc ta dâu ở khắp các xã Đại Hưng, Đốc Tín, Phù Lưu Tế… Giờ thì lao động trẻ ở xã làm đủ thứ nghề như thợ xây, thợ xát, thợ hàn. Nhiều người vào tận miền Nam kiếm việc hoặc làm thuê cho các làng nghề khác, ngày càng ít người tha thiết với con tằm, cái kén.

Xưa dọc bờ sông Đáy xanh ngắt bãi dâu, nghề chăn tằm truyền thống đã đem lại danh tiếng cho những ngôi làng cổ ven sông. Hình ảnh con tằm rút ruột nhả tơ đã được xem như biểu tượng của lòng thủy chung, đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của bao thế hệ người làng dâu. Giờ vắng bóng cây dâu, vắng tiếng "tằm ăn rỗi" nên sự tiếc nuối của những người một thời sống chết với nghề như bà Chén, anh Hạnh, anh Thái âu cũng là điều dễ hiểu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thăng trầm nghề trồng dâu, nuôi tằm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.