Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị

Thành Tâm| 13/06/2010 03:38

(HNM) - Sáng 12-6, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII đã khép lại với phần trả lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

* Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày thêm 6 vấn đề “nóng”, được cử tri cả nước và đại biểu QH đặc biệt quan tâm
(HNM) - Sáng 12-6, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII đã khép lại với phần trả lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

Phó Thủ tướng đã làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu, cử tri đặc biệt quan tâm, từ quản lý kinh tế vĩ mô cho đến chính sách cụ thể đối với một số ngành. Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn này, dù có thể còn có đại biểu chưa thật sự hài lòng, nhưng như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thì tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm đã tiếp tục được phát huy.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Đoàn Hà Nội): Tại sao hoạt động cung cấp điện năng chưa theo thị trường? Ảnh: Viết Thành

Các đại biểu và cử tri cả nước đã chỉ ra nhiều tồn tại, yếu kém

Trước khi bước vào phần trực tiếp trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã thay mặt Chính phủ trình bày thêm về 6 vấn đề được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm. Đó là: Thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; quan hệ giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; quản lý, bảo vệ khai thác tài nguyên, khoáng sản, môi trường. Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; đồ án quy hoạch chung Hà Nội; chỉ đạo điều hành của Chính phủ... Trong số đó, về việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trên nhiều mặt công tác, Chính phủ bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với những nhận định của đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Sự ổn định chúng ta đang hướng tới phải là sự ổn định trong phát triển, chứ không phải ở trạng thái trì trệ. Muốn vậy, một mặt chúng ta phải tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh với chất lượng và hiệu quả tốt hơn, góp phần thúc đẩy tăng trường bền vững. Mặt khác, việc cung ứng tài chính, tiền tệ, tín dụng phải ở mức hợp lý, để vừa bảo đảm nhu cầu vốn và khả năng thanh khoản của nền kinh tế, vừa không đẩy lạm phát lên cao.

Những tháng vừa qua, chúng ta đã cơ bản thực hiên được sự cân bằng này.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu về việc cần thực hiện hiệu quả hơn nữa việc phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Vấn đề này đã có kết quả ban đầu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, dù cho Nhà nước và toàn xã hội đã có nhiều cố gắng. Những hạn chế đã được các đại biểu chỉ ra một phần trong 2 ngày thực hiện chất vấn trước đó: chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng dịch vụ y tế, ùn tắc và tai nạn giao thông, lễ hội phô trương lãng phí, chương trình xóa đói giảm nghèo, đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên...

Nhiều nội dung đang được đại biểu, cử tri đặc biệt quan tâm và đã được đề cập trong 2 ngày chất vấn trước đó được Phó Thủ tướng tiếp tục làm rõ (Đồ án quy hoạch chung Thủ đô, dự án đường sắt cao tốc). Về quản lý khai thác tài nguyên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các địa phương; chỉ đạo lồng ghép phối hợp giữa quy hoạch ngành với quy hoạch vùng, địa phương và yêu cầu lãnh đạo địa phương đề cao hơn nữa trách nhiệm quản lý của mình. Về trách nhiệm của Chính phủ, Chính phủ cảm ơn các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề nghị Quốc hội, HĐND dành nhiều thời gian thực hiện các cuộc giám sát chung cũng như giám sát chuyên đề để góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước.

Không "nuông chiều" ngành điện

Ngay tại những câu hỏi chất vấn đầu tiên dành cho Phó Thủ tướng Thường trực, vấn đề thiếu điện và thực trạng ngành điện đã được các đại biểu nêu lên. Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa), Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) đề nghị nêu rõ nguyên nhân chủ quan của việc thiếu điện, cắt điện cũng như làm rõ trách nhiệm quản lý. Đại biểu Ngô Văn Minh lo lắng về dự báo 20 năm nữa Việt Nam vẫn là nước thiếu điện thì không đủ năng lượng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phục vụ dân sinh.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Không có sự “nuông chiều” ngành điện.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành điện nước ta là 13-14%/năm và đang tiến tới mức tăng trưởng 16%/năm để bảo đảm dự phòng. Nhưng, so với yêu cầu thì vẫn thiếu điện vì đầu tư cho phát triển ngành điện còn chậm; việc đổi mới thiết bị tiêu dùng, máy móc sản xuất sử dụng điện cũng chậm nên tốn nhiều điện năng. Bên cạnh đó có thực trạng là còn hiện tượng lãng phí do sử dụng trong các công trình công cộng, tiêu hao, tổn thất do truyền tải. Trong tương lai, để bảo đảm an ninh năng lượng, bên cạnh chính sách tiết kiệm điện, Chính phủ đã có chiến lược phát triển điện hạt nhân, phong điện, giảm phụ thuộc vào thủy điện. Trong chiến lược 10 năm tới, nếu kết hợp tốt các chính sách phát triển ngành điện đi kèm với các chính sách tổng thể khác thì có thể đủ điện.


Các đại biểu tiếp tục chất vấn về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện trong việc dự báo thiếu đầy đủ và công việc kinh doanh của ngành điện chưa theo thị trường, chưa có đền bù khi gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Đại biểu Nguyễn Văn Thời (đoàn Thái Nguyên) cho biết, doanh nghiệp nhận đơn hàng trước 6 tháng - 1 năm mà ngành điện cắt điện chỉ báo trước ít ngày, gây tổn thất không nhỏ cho sản xuất và xuất khẩu. Đại biểu Phạm Thị Loan (đoàn Hà Nội) đặt nhiều câu hỏi "tại sao" cho ngành điện để chỉ ra rằng hoạt động đầu tư cho ngành điện còn yếu, thiếu... Có đại biểu cho rằng công tác điều hành đối với ngành điện chưa quyết liệt và thể hiện sự "nuông chiều". Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định không có sự "nuông chiều" ngành điện. Thực tế, Thủ tướng và Chính phủ đã nhận thức rõ nguyên nhân thiếu điện và liên tục có kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành, cá nhân liên quan...

Kết thúc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã làm rõ thêm một số vấn đề của quản lý vĩ mô để Quốc hội nắm được trách nhiệm của cơ quan, cá nhân liên quan. Chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp đã tạo nên không khí cởi mở, thắng thắn trong tranh luận tại diễn đàn Quốc hội, đề cập nhiều vấn đề "nóng" được cử tri quan tâm. Các thành viên Chính phủ cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trả lời tập trung, không né tránh và cầu thị.
Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hóa):
"Vấn đề làm rõ trách nhiệm chưa được đề cập nhiều"

Theo tôi, căn bản là cách đặt câu hỏi của ĐBQH phải tập trung vào những vấn đề cần quan tâm, không lan man và tránh đưa ra những con số, dữ liệu để "giải thích" hộ người được chất vấn. Người trả lời chất vấn cũng nên đi thẳng vào vấn đề và trả lời một cách rất ngắn gọn, chính xác và có chất lượng. Về cá nhân, tôi cảm thấy một số nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GTVT hay của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL có chất lượng, nêu được trách nhiệm của Bộ trưởng đối với những tồn tại. Còn phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, tôi thấy Bộ trưởng trả lời không rõ và ĐBQH đã phải hỏi nhiều... Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời đúng nhưng vấn đề làm rõ trách nhiệm chưa được đề cập nhiều, chỉ tập trung giải trình, giải thích…

Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên):
"Bộ trưởng chưa đưa ra được giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại"

Chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội lần này đã đi vào chiều sâu hơn, được các bộ trưởng và thành viên Chính phủ trả lời cụ thể. Tuy nhiên, có những vấn đề cần được đề cập sâu thêm thì do quỹ thời gian có hạn và có liên quan đến nhiều lý do khác nên tôi thấy chưa đạt yêu cầu. Nhìn chung, ĐBQH chưa thật sự hài lòng với cách trả lời và chất lượng trả lời chất vấn của các bộ trưởng. Nguyên nhân là do có những vấn đề bộ trưởng có góc nhìn riêng ở tầm vĩ mô, nhưng ĐBQH có góc nhìn của người dân do cơ quan dân cử nên những vấn đề Bộ trưởng trả lời chỉ đạt được ở tầm quản lý mà ở tầm các cơ quan dân cử và cử tri thấy chưa thỏa mãn. Mặt khác, các vị bộ trưởng chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể, để khắc phục những mặt còn tồn tại của ngành mình quản lý.

Tư Đôghi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.