(HNM) - Kết quả kiểm tra của Sở GD-ĐT Hà Nội tại 28 trường THPT trong tháng 3 đã phát hiện nhiều sai phạm về hoạt động chuyên môn. Các sai phạm và phương án xử lý được công bố công khai, rút kinh nghiệm toàn ngành, góp phần chấn chỉnh nền nếp hoạt động của các nhà trường.
- Thưa ông, việc tổ chức kiểm tra các trường học vào dịp này có phải do phát hiện sai phạm đột xuất?
- Việc tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên môn tại các trường học nói chung và cấp THPT của Hà Nội là hoạt động trọng tâm và được thực hiện thường xuyên trong suốt thời gian triển khai nhiệm vụ năm học. Ngoài các đợt kiểm tra theo chuyên đề, việc tổ chức kiểm tra tập trung vào các thời điểm như chuẩn bị khai giảng năm học mới, ôn tập tốt nghiệp THPT, chuẩn bị điều kiện tuyển sinh lớp 10…
Việc tổ chức 5 đoàn kiểm tra tại 28 trường THPT thực hiện vừa qua nằm trong kế hoạch chung, đồng thời thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với các địa phương trong học kỳ II của năm học này. Tuy vậy, đây là lần đầu tiên kết quả kiểm tra được công bố công khai, trong đó có cả việc đánh giá những ưu điểm cần phát huy và một số tồn tại của các nhà trường. Ngoài ra, điểm khác biệt so với mọi năm là đợt kiểm tra này tập trung vào việc rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các trường ngoài công lập theo tinh thần Chỉ thị 25/CT-UBND của UBND thành phố ban hành ngày 11-11-2013. Mục đích của việc rà soát này nhằm xác định những thiếu sót, tồn tại của các trường ngoài công lập để có giải pháp thiết thực, hiệu quả trong quản lý, điều hành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại tất cả các trường học trên địa bàn.
- Vậy đâu là những tồn tại cơ bản cần rút kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn của các trường bị phát hiện đợt này?
- Tồn tại chung của các trường là việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông chưa nghiêm túc. Cụ thể, có tình trạng cắt xén chương trình ở một số môn như giáo dục quốc phòng - an ninh, công nghệ, thể dục, tin học; một số trường còn dạy dồn chương trình để luyện thi; có nơi cắt bỏ nội dung thực hành trong chương trình môn vật lý, hóa học, sinh học; có nơi không tổ chức giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, giáo dục ngoài giờ lên lớp…
- Phương án xử lý đối với sai phạm này ra sao, thưa ông?
- Ngay khi phát hiện sai phạm, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu các nhà trường phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục ngay những tồn tại này. Cụ thể, với các trường đã cắt xén chương trình môn học và phần thực hành phải tổ chức dạy bù cho HS nội dung đã cắt xén; những đơn vị dạy dồn không đúng theo kế hoạch thời gian năm học phải chấn chỉnh và cam kết không tái phạm.
- Dường như, đây là những tồn tại không mới tại các trường. Vậy Sở GD-ĐT có biện pháp nào để ngăn chặn tái phạm?
- Để tránh tái phạm, năm nay, Sở GD-ĐT đã mạnh dạn, công khai những tồn tại của các trường để rút kinh nghiệm trong toàn ngành và yêu cầu phải khắc phục trong tháng 4. Theo tôi, cách thức này sẽ khiến các trường phải chủ động, nghiêm túc trong thực thi. Sau thời hạn này, Sở sẽ rà soát việc khắc phục tồn tại của các trường, kiên quyết xử lý đối với những đơn vị không hoàn thành yêu cầu.
- Kết quả rà soát việc khắc phục sai phạm của các nhà trường có tiếp tục được công bố rộng rãi không, thưa ông?
- Tôi khẳng định, quan điểm của lãnh đạo ngành là thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn chưa tốt để chấn chỉnh. Hà Nội là một trong số ít các địa phương chủ động, nghiêm túc trong việc này, được Bộ GD-ĐT đánh giá cao. Phương án xử lý, khắc phục các thiếu sót, tồn tại của các nhà trường sẽ được theo dõi nghiêm túc, bảo đảm thực chất, khách quan. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết kết quả kiểm tra, xử lý sai phạm của các địa phương sẽ được thẩm tra lại.
- Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.