Sáng 9/4, tại Bình Dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã phát động Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia năm 2011.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường Tiểu học Kim Liên. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN) |
Tháng hành động có chủ đề "sản xuất-kinh doanh, sử dụng thực phẩm phải theo Luật An toàn thực phẩm-an toàn thực phẩm."
Nội dung, mục tiêu cơ bản của Tháng hành động là các cơ sở sản xuất kinh doanh có qui mô công nghiệp phải được triển khai thực hiện Luật an toàn thực phẩm; giảm 30% số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể so với năm 2010; các xã chưa có phải tổ chức Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành trung ương, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật an toàn thực phẩm đến các đối tượng sản xuất-kinh doanh, tiêu dùng, cán bộ quản lý và sớm xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật an toàn thực phẩm trình Chính phủ phê duyệt; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm Luật an toàn thực phẩm và xem đó là vừa là điều kiện hành nghề vừa là lương tâm và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo, đầu tư xây dựng hệ thống tổ chức từ Trung ương đến huyện và đã có Luật an toàn thực phẩm.
Tất cả đã góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm đảm bảo sức khỏe của nhân dân. Riêng trong năm 2010 cả nước đã tổ chức 27.000 đoàn thành tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra 638 ngàn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, phát hiện 147.000 cơ sở sản xuất kinh doanh( 23%) chưa chấp hành tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lý 43.000 cơ sở (29%) với tiền phạt 17 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 641 cơ sở.
Phó Thủ tướng chỉ ra những hạn chế của họat động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua cần được quan tâm khắc phục là: trong 5 năm 2006-2010 cả nước bình quân mỗi năm xảy ra 190 vụ ngộ độc thực phẩm tâp thể, ảnh hưởng liên quan đến 6.600 người và có 52 người chết. Đồng thời qua khảo sát có 18% số hộ, 27% số cơ sở sản xuất kinh doanh và 40% người tiêu dùng chưa có nhận thức đầy đủ về vệ sinh an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.