Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng cao điểm xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm

Thu Trang| 15/04/2022 14:23

(HNMO) - Từ hôm nay (15-4), Hà Nội bắt đầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm nhân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

 Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) là điểm nhấn trong năm, tạo ra đợt cao điểm xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.

Xử phạt vi phạm gần 397 triệu đồng 

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong quý I-2022, cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra được 14.755 cơ sở dịch vụ ăn uống; trong đó có 12.556 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ hơn 85%), còn lại gần 2.200 cơ sở có sai phạm đã bị nhắc nhở, xử phạt với số tiền gần 397 triệu đồng. 

Qua công tác kiểm tra cho thấy, ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Thế nhưng, có không ít nơi vẫn chưa tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Ngoài vi phạm về cơ sở vật chất như: Khu vực sản xuất không bảo đảm điều kiện vệ sinh, người tham gia sản xuất chưa được tập huấn kiến thức, thực phẩm không xuất trình được nguồn gốc, xuất xứ…, đoàn kiểm tra của thành phố và các quận, huyện, thị xã còn phát hiện vi phạm quy định về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm cùng với 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, tại các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được phân cấp. 

“Riêng đoàn kiểm tra do lãnh đạo Sở Y tế làm trưởng đoàn sẽ chú trọng kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân; nguồn gốc nguyên liệu đưa vào sản xuất, chất lượng sản phẩm… Qua công tác kiểm tra, chúng tôi sẽ công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

Với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới” trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đơn vị này sẽ tăng cường kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn (chợ đầu mối, cơ sở chế biến, cơ sở giết mổ).

Đồng thời, tăng cường kiểm tra rau quả lưu thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các chợ, siêu thị, cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh rau an toàn… Cùng với đó, tổ chức lấy mẫu rau, quả kiểm nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật.

 Đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành xét nghiệm nhanh các mẫu bát đĩa tại một cơ sở dịch vụ ăn uống.

Huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng 

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Tháng hành động vì An toàn thực phẩm được phát động trên toàn quốc mỗi năm, không chỉ tập trung xem thanh tra, kiểm tra, xử phạt được bao nhiêu cơ sở, mà điều quan trọng là dấy lên được một đợt cao điểm, tập trung một chủ đề “nóng” về an toàn thực phẩm, nhằm huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. 

Đối với thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, một trong những mục tiêu đặt ra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm, củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Đáng chú ý, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội về nội dung này. 

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: “Công tác tuyên truyền cũng cần được đẩy mạnh để người tiêu dùng có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn. Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng…”.

Chính vì vậy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh, kiểm tra, xử nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn, đồng thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháng cao điểm xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.