(HNM) - Tháng Bảy, với mẹ, sao mà nhớ cồn cào! Mẹ nhớ ngày anh lên đường mà
Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in ánh mắt của mẹ Phạm Thị Còm, ở số 8, ngõ 69, phường Quan Hoa, Cầu Giấy trong cái ngày đón con của mẹ, liệt sĩ Phạm Văn Tưởng từ chiến trường Nam Lào trở về. Mắt mẹ đã cạn nước mắt vì khóc thương con nhưng vẫn sáng long lanh với niềm vui thật khó tả. Mẹ kể, những tháng ngày sôi sục phong trào tòng quân giết giặc, anh Phạm Văn Tưởng, con cả của mẹ đã xung phong lên đường nhập ngũ. Ngày ấy, nhà mẹ Còm nghèo lắm. Chính vì thế, trước khi lên đường, anh Tưởng cứ nấn ná mãi rồi nắm tay mẹ: "Mẹ cứ yên tâm, con đi rồi sẽ về xây lại nhà cho mẹ!".
Rồi một ngày, mẹ cũng đã có tin về con mình, nhưng là hung tin. Anh Tưởng đã hy sinh ngày 2-4-1972 tại chiến trường Nam Lào. Đến bây giờ, mẹ vẫn nhớ đó là ngày cuối thu năm 1974. Nhận tin con mà như sét đánh ngang tai.
Hơn 30 năm sau chiến tranh, mẹ đã tìm lại được người con thân yêu, đón con trở về với sự hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể của TƯ và thành phố Hà Nội. Một lần nữa mẹ lại khóc. Với mẹ, thế là cũng đã mãn nguyện rồi. Mẹ bảo: "Con mẹ đi bộ đội là vì nước, vì dân. Nó hy sinh cũng vì nước vì dân, trong đó có những người thân của nó. Nhưng nếu không tìm được Tưởng về, chắc mẹ sẽ không nhắm nổi mắt khi trăm tuổi". Không phải riêng một mình anh Tưởng của mẹ, hằng năm, thành phố Hà Nội đã tổ chức đón hàng trăm hài cốt liệt sĩ về với quê hương. Đó chỉ là một phần việc rất nhỏ thể hiện sự quan tâm, đạo lý uống nước nhớ nguồn của những thế hệ đi sau.
Mẹ Nguyễn Thị Năm, 76 tuổi, ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh (vợ liệt sĩ Nguyễn Đình Cung, hy sinh năm 1969) đã không giấu nổi những giọt nước mắt khi đồng chí Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cùng đại diện UBND huyện Mê Linh, xã Mê Linh tới thăm. Trong không khí đầm ấm, quây quần, mẹ nghẹn ngào kể về những ngày quá khứ hào hùng của dân tộc. Mẹ bảo khi chồng mẹ lên đường nhập ngũ, mẹ cũng tham gia du kích xã. Chắc tay súng, vững tay cày, nhưng mẹ còn chăm sóc 5 người con ăn học. Chiến tranh kết thúc, chồng mẹ không trở về. Mẹ buồn lắm. Nhưng dù sao khi đất nước thanh bình, mẹ cũng còn những người con thành đạt và sự quan tâm của các cấp chính quyền, của bà con làng xóm. Với mẹ, không phải có 5 người con thành đạt mà có cả trăm người con khác, hằng ngày lui tới thăm mẹ, giúp mẹ những công to việc lớn, rồi ăn với mẹ bát cơm dưa cà. Thế là vui lắm!
Còn nhiều lắm những việc tưởng như bình dị thể hiện đạo lý tốt đẹp ngàn đời của dân tộc. Tháng 7 về, cả nước, trong đó có các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân Thủ đô lại có dịp bày tỏ tình cảm, lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ và những người có công với đất nước. Đó là đạo lý, truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.