(HNM) - Hoạt động xuất khẩu cả nước trong tháng 7 đã xuất hiện một vài tín hiệu mới. Vì thế cần đánh giá, phân tích sâu hơn để phát huy những thế mạnh...
Dệt may là một trong những mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao trong 7 tháng đầu năm 2013. Ảnh: Đàm Duy |
Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 7 đạt 11,2 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2012; trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 11 tỷ USD và cả nước đã xuất siêu 200 triệu USD. Việc xuất siêu trở lại được giới chuyên gia đánh giá là hiện tượng "lạ" sau việc nhập siêu trong các tháng trước. Nó cũng thể hiện đà tăng trưởng mạnh, bất chấp suy giảm kinh tế và thắt chặt chi tiêu đang diễn ra tại nhiều thị trường trên phạm vi toàn cầu. Tính chung 7 tháng qua, cả nước đạt KNXK 72,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng ghi nhận, kết quả XK nói chung được sự hậu thuẫn, đóng góp vượt trội của một số mặt hàng chất lượng và giá trị gia tăng cao, gồm điện thoại các loại và linh kiện đang duy trì kết quả ấn tượng khi đạt 11,6 tỷ USD, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 9,6 tỷ USD, tăng 16,3%; điện tử, máy tính và linh kiện: 5,7 tỷ USD, tăng 40,4%... Sự đóng góp ổn định, theo hướng gia tăng vào KNXK cả nước của những mặt hàng này cũng tạo ra sức cạnh tranh của nền kinh tế vào thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập. Hơn nữa, các loại hàng XK có mức độ gia công, chế biến cao cũng giúp Việt Nam từng bước nâng cao tỷ trọng của hàng chế biến, chế tạo trong tổng mức XK, cũng như đẩy nhanh quá trình chuyển dịch và tái cơ cấu hàng XK theo định hướng tăng dần sản phẩm công nghệ cao, đã qua chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đầu sản phẩm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc gia tăng mạnh, liên tục trong KNXK của các loại điện thoại - linh kiện và máy tính - linh kiện là kết quả nổi bật trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài thời gian qua; nhất là chiến lược hút vốn ngoại thuộc lĩnh vực "hot" như công nghệ điện tử, bán dẫn. Qua đó, khi nhà đầu tư đã quyết định thực hiện một dự án sản xuất đồng bộ một mặt hàng sẽ kéo theo hàng chục dự án vệ tinh thuộc ngành công nghiệp phụ trợ xuất hiện để sản xuất những linh kiện cung cấp cho nhà đầu tư. Điều này tạo ra một quần thể dự án liên quan và rất thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ cho DN trong nước theo hướng tăng dần tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm XK. Các dự án thuộc tổ hợp công nghệ cao, chuyên sản xuất, lắp ráp điện thoại - linh kiện của Tập đoàn Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên là ví dụ điển hình cho mô hình nói trên.
Tuy nhiên, những tháng qua cũng chứng kiến sự tăng trưởng thấp của các doanh nghiệp (DN) trong nước, với KNXK là 24,5 tỷ USD, chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khu vực kinh tế trong nước mới đóng góp 1/3 KNXK cả nước, thể hiện sự chưa xứng đáng với vai trò, vị trí của của khu vực này. Nguyên nhân chủ yếu là quy mô và trình độ sản xuất còn hạn chế, lại thiếu năng động trong việc thâm nhập thị trường mới. Ngược lại, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt KNXK 48,2 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ và thể hiện vai trò trụ cột trong XK. Một vấn đề khác cần lưu ý là, kết quả XK của các mặt hàng nông sản, thủy sản trong 7 tháng qua cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, cà phê đạt KNXK 1,9 tỷ USD, giảm 22,8%; gạo: 1,9 tỷ USD, giảm 13,1%; cao su: 1,2 tỷ USD, giảm 17,5%... Nguyên nhân là các ngành hàng này bị mất giá trên thị trường quốc tế, đẩy khối DN vào thế bị động. Thực tế này đặt ra vấn đề, DN cần làm tốt công tác dự báo, tăng cường mối quan hệ cung - cầu về hoạt động thu mua, tạm trữ nguồn nông, thủy sản. Trong đó, DN XK cần tạo điều kiện tốt nhất, thậm chí có thể tham gia ứng vốn hoặc góp vốn vào các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng nông - thủy sản để chia sẻ rủi ro và tăng tính chủ động trong quá trình thu mua, bảo quản để XK. Ngoài ra, DN cũng nên thắt chặt quan hệ, tranh thủ tiếp nhận thông tin thị trường, tư vấn từ các văn phòng thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại các thị trường truyền thống có sức mua cao để dễ phân tích, đi đến quyết định chính xác mỗi khi ký hợp đồng XK.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.