(HNM) - Cứ đến những ngày tháng 5, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu- xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) lại nhộn nhịp đón những đoàn khách từ mọi miền đất nước. Đã từ lâu, quê Bác trở thành một điểm đến không thể thiếu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.
Du khách về thăm Khu di tích Kim Liên (Nghệ An). Ảnh: Viết Thành |
Cả nước hướng về làng Sen
Theo thống kê của Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, vào thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng 50-60 đoàn khách hành hương về đây. Thậm chí, những ngày cao điểm có đến hơn 200 đoàn. Dự kiến, vào dịp lễ hội làng Sen (diễn ra từ ngày 17 đến 19-5) gắn với kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Người, nơi đây sẽ đón khoảng 4.000 du khách.
Tự hào giới thiệu với người dân cả nước và du khách quốc tế cuộc sống giản dị cũng như thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Bá Hòe, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Kim Liên cho biết: Là một trong những di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia, Khu di tích Kim Liên được Nhà nước chú trọng đầu tư trong nhiều năm qua. Hiện nay, qua nhiều đợt trùng tu, sửa chữa, nhưng tại các địa danh lịch sử ở quê nội và quê ngoại của Người là làng Sen và làng Hoàng Trù vẫn lưu giữ được những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị, đặc biệt là ngôi nhà tranh đơn sơ của gia đình Bác, khiến du khách đến thăm luôn có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động. Hằng năm, nơi đây đón tiếp hàng triệu đồng bào cả nước và khách quốc tế, đặc biệt là vào tháng 5.
Trong dòng người về thăm quê Bác hôm nay có người đến lần đầu, có người đến nhiều lần, có người già, các em thiếu nhi và bạn bè quốc tế, tất cả đều bùi ngùi không muốn rời chân. Mỗi lần về thăm quê Bác là mỗi lần ông Âu Xuân Kiên, Trưởng ban Di tích đình chùa Trường Lâm (quận Long Biên) mang một cảm xúc khác nhau. "Những di vật gắn bó với vị lãnh tụ của dân tộc dù đã phủ màu thời gian nhưng vẫn gợi đâu đây hơi ấm của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của những gì tốt đẹp nhất trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Tôi hy vọng mọi người hiểu sâu hơn nữa về con người, tình yêu của Bác với dân tộc và hãy sống, học tập theo tấm gương của Người", ông Âu Xuân Kiên bày tỏ.
Thời gian cho hành trình về quê Bác tuy chỉ gói gọn trong một ngày nhưng thật ý nghĩa. Ông Nguyễn Bá Hòe cho rằng, các trường học tổ chức cho học sinh đến đây tham quan cũng là cách để giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Với những gì được nghe, được thấy, thế hệ trẻ ngày nay sẽ biết sống giản dị, khiêm nhường và biết vươn lên trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Những ấn tượng đẹp
Theo đại diện của nhiều công ty lữ hành, ngoài giá trị văn hóa lịch sử, tâm linh, hành trình về thăm quê Bác còn đọng lại ấn tượng đẹp trong lòng du khách ở cử chỉ, sự nồng hậu, tận tình của người dân địa phương. Từ cô hướng dẫn viên đến bà cụ bán chè xanh dưới gốc đa làng đều gây được thiện cảm và sự gần gũi cho du khách, điều không dễ gặp ở bất kỳ điểm du lịch nào. Những câu chuyện về Bác được truyền đạt qua giọng nói xứ Nghệ dịu dàng cùng sự am hiểu sâu sắc của các hướng dẫn viên đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Cũng là cách để thể hiện lòng tôn kính với Bác những ngày tháng 5 này lượng người đến thăm quê Bác đông hơn. Chính vì vậy, Ban Quản lý Di tích phải huy động tối đa đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên để đón tiếp chu đáo. Không chỉ tăng cường nghiệp vụ, chấn chỉnh thái độ giao tiếp ứng xử của đội ngũ tham gia hoạt động du lịch, Ban Quản lý còn đặc biệt quan tâm đến công tác trật tự an toàn tại các khu di tích, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ năm 2010, khu di tích này đã được lắp đặt hệ thống camera, hệ thống báo cháy, báo trộm để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho di tích cũng như du khách.
Đơn sơ, mộc mạc và thân thương là những gì du khách cảm nhận được khi về thăm quê Bác. Chính nơi đây đã, đang và sẽ trở thành điểm tham quan hấp dẫn, là nơi lý tưởng để giáo dục đạo đức cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các thế hệ sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.