Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tháng 2, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

Hương Thủy| 19/01/2022 13:12

(HNMO) - Thông tin trên được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cung cấp tại hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 19-1.

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo có lãnh đạo, các nhà khoa học đến từ các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, bệnh viện trung ương và địa phương.

Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa, kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những nội dung trọng tâm của kế hoạch kiểm toán 2022 của Kiểm toán Nhà nước.

Phạm vi kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19là về việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành cơ quan trung ương, không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị (nội dung này Thanh tra Chính phủ thực hiện). Thời gian dự kiến, từ ngày 16-2 đến 31-3-2022, phát hành báo cáo kiểm toán trước ngày 31-5-2022.

Hội thảo được tổ chức nhằm lấy thêm ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhất là của các lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm hoàn thiện Đề cương kiểm toán chuyên đề.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật sự cần thiết, tính kịp thời và sự hiệu quả của các chủ trương, chính sách; kết quả huy động, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch trong thời gian qua.

Đồng thời, các đại biểu chỉ ra tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến; trong việc tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật; việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là giá dịch vụ xét nghiệm; việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh thông thường và khám, chữa bệnh cho người bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, tại một số thời điểm, nguồn cung một số vật tư, trang thiết bị khó khăn, giá hàng hóa tăng cao nên các địa phương khó khăn khi mua sắm vì không có giá tham khảo phù hợp, dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị không thực hiện đúng phương châm “4 tại chỗ”, yêu cầu Bộ Y tế hỗ trợ trong khi Bộ không phải là cơ quan mua sắm nên cũng chỉ hỗ trợ được một phần.

Ngoài ra, sau khi các đơn vị chủ quản của các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được Nhà nước cấp kinh phí, Kho bạc Nhà nước không thể chuyển dự toán ngân sách sang tài khoản tiền gửi (để trả nợ nguồn thu trước đây đã vay mua thuốc, vật tư…) của các đơn vị bởi theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phải chi trả cho đối tượng thụ hưởng (là các công ty cung cấp hàng nhưng bệnh viện đã sử dụng nguồn thu của bệnh viện để trả cho các công ty theo hợp đồng mua sắm chung của bệnh viện từ trước).

Còn Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho hay, thời gian qua, Hà Nội luôn chủ động và bảo đảm về nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Về huy động nguồn xã hội hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội đã tiếp nhận 39 ô tô cứu thương, 200 máy thở... Công tác quản lý, theo dõi sử dụng vật dụng trên gặp khó khăn trong việc định giá hiện vật do các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Vì vậy, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội kiến nghị, cần thống nhất cách định giá hiện vật ủng hộ; đồng thời, có cơ chế riêng về quản lý tài chính phòng, chống dịch...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tháng 2, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.