(HNM) - Hôm qua, thông tin cho biết cơ quan chức năng đang xem xét việc cho phép người dân đốt loại "pháo hoả thuật giải trí" trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Đây là sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không gây nổ.
Thoạt nghe ý tưởng có vẻ rất hay, nhưng…
Kể từ ngày 1-1-1995, khi Chỉ thị 406-TTg năm 1994 của Thủ tướng về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ có hiệu lực thì việc đốt pháo trong dịp lễ, tết ở Việt Nam chính thức bị cấm. Khi ấy, trong văn bản chỉ thị này cũng đã trích dẫn con số báo cáo của 44/53 địa phương cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994), đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn 20-30 tỷ đồng. Với mục tiêu nhanh chóng khắc phục tình trạng trên, cũng là xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chung của nhân dân trong cả nước và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ tư về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, Chỉ thị trên của Thủ tướng được ban hành và sau đó là sự ra đời của Nghị định 36-CP/2009.
Đến nay, giá trị của văn bản ấy vẫn còn nguyên vẹn và luôn mang tính thời sự. Thực tế, việc đốt pháo trong dân vào mỗi dịp lễ, tết vẫn còn xảy ra đâu đó khi nhiều người vẫn còn hoài niệm về truyền thống "cây nêu, tràng pháo". Song thực tế không thể phủ nhận là ý thức trong dân đã định hình rất rõ: Đa số người dân đều hiểu và ý thức được tính nguy hiểm cũng như sự lãng phí không cần thiết nếu đốt pháo.
Cũng giống như việc yêu cầu người dân khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm, để đạt được kết quả như ngày nay là cả một quá trình bền bỉ, mưa dầm thấm lâu, hình thành nên ý thức sâu rộng trong nhân dân. Bây giờ ra đường, hầu như mọi người đều ý thức đội mũ; các dịp tết, tiếng pháo cũng đã trở thành "hàng hiếm".
Chính vì thế, với bất cứ một động thái nào liên quan cũng đều cần phải được cân nhắc thật kỹ. Đại diện của Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp - Bộ Quốc phòng) - đơn vị sản xuất và phân phối loại pháo nói trên - cho rằng, sản phẩm này tạo ra hiệu ứng ánh sáng, âm thanh nhưng không gây nổ. Các loại hóa chất được dùng để chế tạo loại pháo không gây độc hại, không gây cháy nổ và không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Vị này khẳng định Z121 hiện độc quyền sản xuất và Nghị định 36 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo không cấm sử dụng loại pháo này.
Dĩ nhiên, doanh nghiệp, người dân có thể làm điều pháp luật không cấm. Nhưng khi điều ấy có thể có tác động đến lợi ích cộng đồng thì cần phải thận trọng. Tuy không độc, không hại, nhưng ai có thể bảo đảm và bằng cách nào để cơ quan quản lý có thể kiểm soát được giữa pháo "ảo" và pháo thật? Chúng ta cần lường trước tình trạng "lập lờ đánh lận con đen". Sẽ thật khó khăn khi giữa đêm ba mươi để phân biệt được ai, nhà nào đốt pháo thật và nhà nào dùng pháo "ảo". Vì vậy, hãy thận trọng trước khi quyết định!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.