Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng nhưng lạc quan

Vân Khanh| 15/01/2014 06:31

(HNM) - Ngay sau khi Iran và nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận đột phá nhằm giải tỏa bế tắc cho hành trình đàm phán đầy trắc trở, sự dè dặt của các bên liên quan và một số động thái đi ngược với tinh thần hòa giải từ cả hai phía đã khiến dư luận quốc tế tiếp tục hướng mối ngờ vực về Tehran.

Tuy nhiên, tuyên bố của Iran và nhóm cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức cho biết thỏa thuận tại Geneva sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20-1 đã khẳng định những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng cho sự tin tưởng lẫn nhau.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) và người đồng nhiệm Iran Mohammad Zarif vui mừng sau thỏa thuận tại Geneva (Thụy Sĩ).



Vào thời điểm này cách đây gần hai năm, Tổng thống Barack Obama đã triệu tập một cuộc họp với những trợ lý an ninh hàng đầu tại Nhà Trắng để thảo luận về một phương án quân sự chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo "cứng đầu". Lúc đó, không nhiều người nghĩ đến một kịch bản trái ngược rằng, hai đối thủ đã gần 35 năm ở hai bờ chiến tuyến lại đang đi trên cùng một con đường để dẫn tới một cam kết hòa bình dài lâu. Với lời xác nhận mới nhất, bước khởi động 6 tháng để Iran chứng minh thiện chí và tuyên bố phát triển hạt nhân vì hòa bình đã bắt đầu được đếm ngược. Thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) sẽ được tiếp cận các cơ sở hạt nhân cũng như các dây chuyền sản xuất máy ly tâm của Tehran, một yêu cầu tiên quyết từ phương Tây để kiểm chứng độ "chân thành" của quốc gia Hồi giáo. Đổi lại, Iran sẽ dần dần nhận được hàng tỷ USD tài sản bị đóng băng ở nước ngoài, "phần thưởng" mà Tehran phải có được theo lời hứa "ngọt ngào" từ các đối tác. 550 triệu USD đầu tiên sẽ được trả về cho "chủ nhân" vào đầu tháng 2 tới. Quá trình giải ngân tiếp theo sẽ phụ thuộc vào tốc độ làm loãng kho uranium 20% mà Iran đang sở hữu xuống 5% đúng như tinh thần của văn bản đã ký kết.

Đến lúc này, mọi sự chuẩn bị để quá trình "chạy roda" nhằm hướng tới một thỏa thuận toàn diện, chấm dứt cuộc khủng hoảng hạt nhân kéo dài hơn 10 năm qua ở xứ sở Ba Tư đã không lệch khỏi quỹ đạo được lập trình. Tuy nhiên, với lịch sử đàm phán nhiều năm trồi sụt thất thường mà kết quả của nó từng được chứng minh có thể bị lật ngược khá dễ dàng, bước khởi đầu tốt đẹp này vẫn được nhìn nhận bằng niềm lạc quan thận trọng. Về phía Mỹ, việc thuyết phục được những chính trị gia có quan điểm cứng rắn vốn tin rằng Iran đang cố tình chơi trò "đu dây" chính trị để tận dụng khoảng không dễ thở nhằm âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân là không đơn giản. Kiềm chế những nhân tố không có chút niềm tin nào với Tehran và ngăn chặn việc thông qua những lệnh trừng phạt mới - thứ sẽ phá tan thành quả ít ỏi vừa đạt được - đã đặt ra áp lực khá nặng nề với chính quyền Tổng thống B. Obama. Bản thân Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng phải vượt qua không ít rào cản từ các lực lượng cực đoan trong nội bộ, những người từng hô vang khẩu hiệu "Cái chết cho nước Mỹ" suốt hơn 3 thập niên để ủng hộ đường lối đối ngoại ôn hòa mà ông đang theo đuổi thậm chí còn khó khăn hơn.

Mặc dù vậy, thời tiết chính trị theo xu hướng hòa dịu đang hỗ trợ chiến lược cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Iran. Sau thời gian dài luôn sống trong căng thẳng, hai nước đều nhận thấy rằng cả hai cần đến nhau để đạt được những mục tiêu của mình. Washington đã cảm nhận được rõ ràng rằng việc cô lập Tehran thông qua hệ thống các biện pháp trừng phạt dày đặc đã không buộc được nước Cộng hòa Hồi giáo từ bỏ hạt nhân. Ngược lại, chính sách đó đã đẩy Iran vào thế phải phòng thủ bằng mọi cách và lôi kéo đồng minh trong khu vực khiến việc giải quyết một số cuộc khủng hoảng tại Trung Đông từ Palestine đến Afghanistan, Iraq, Lebanon và Syria trở nên cực kỳ phức tạp. Vì vậy, để bảo đảm vị thế của mình tại đây, Mỹ muốn tập trung nguồn lực nhiều hơn vào điểm nóng Iran như một cơ sở để hóa giải những bất ổn khác. Đối với chính quyền của Tổng thống H.Rouhani, gỡ bỏ trừng phạt kinh tế là yêu cầu bức thiết và điều đó chỉ đạt được nếu giải quyết bế tắc hạt nhân. Ngoài ra, ông H.Rouhani - người đại diện cho một trào lưu ôn hòa - cũng đang cần có một di sản ngoại giao để đáp lại những khát vọng đổi mới và mở cánh cửa rộng lớn hơn ra bên ngoài của xã hội vốn quá khép kín của Iran. Những nhân tố này đã thúc đẩy hai "kẻ thù" muốn đối thoại với nhau.

Vì vậy, có thể nói rằng chưa khi nào khủng hoảng Iran có những tín hiệu tích cực như hiện nay, dù rằng vẫn còn cần nhiều thời gian để ẩn số Iran được sáng tỏ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng nhưng lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.