Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng không thừa!

Nữ Quỳnh| 04/04/2015 06:25

(HNM) - Lợi ích đầy hứa hẹn từ cây mắc ca (macadamia) với mệnh danh mỹ miều là

Ngay sau đó là một chiến dịch truyền thông rầm rộ, có nhận định xem mắc ca như một loại "cây tỷ đô" giúp nông dân làm giàu. Niềm tin về nguồn lợi kinh tế từ loài cây này mang lại được khẳng định như đinh đóng cột và được củng cố thêm khi có một ngân hàng tuyên bố sẽ dành hàng chục nghìn tỷ đồng vốn rót vào việc trồng mắc ca.

Mắc ca có phải là cây xóa đói, giảm nghèo của nông dân Việt Nam?

Rất có thể là như vậy!Thế nhưng, một khi nhà khoa học, nhà quản lý chưa lên tiếng khẳng định những giá trị thực tế của loài cây này một cách chính thức thì hồ nghi về sự thiếu chắc chắn trong việc phát triển loại cây mắc ca là hoàn toàn bình thường. Vì sao? Vì chúng ta đã có những bài học đắt giá về cây cao su, cây ca cao hay chỉ đơn giản như những cây ăn trái phổ biến nhưng việc đầu tư, quy hoạch thiếu bài bản, thiếu cơ sở khoa học, dựa vào cảm tính, phong trào đã khiến cho rất nhiều nông dân ở nhiều địa phương phải trả giá đắt. Điệp khúc trồng, chặt đã xảy ra với nhiều loại cây. Thiệt hại chưa ai có thể thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn là không nhỏ.

Với cây mắc ca hiện nay, chúng ta vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu cụ thể về nhu cầu sử dụng thực tế thế nào, khả năng trồng trọt đến đâu, tính bền vững của thị trường trong và ngoài nước ra sao? Tính từ thời điểm đầu tiên, khi cây mắc ca được đưa về Việt Nam đến nay đã hơn chục năm, nhưng giá trị đích thực của loại cây này dường như vẫn chưa được khẳng định một cách chính thức. Tuy nhiên, cùng với những làn sóng cấp tập của truyền thông, diện tích cây mắc ca đang tăng lên một cách nhanh chóng và không theo bất kỳ một quy hoạch nào. Nhiều nơi nông dân đã chặt cây trồng khác để thay bằng cây mắc ca.

Phong trào trồng cây "nữ hoàng" lan rộng đã khiến cả Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Ban chỉ đạo Tây Nguyên (Tây Nguyên - nơi có diện tích trồng cây mắc ca nhiều nhất) đã phải lên tiếng cảnh báo "thận trọng". Có thể với sự lạc quan thái quá của những người "chân lấm, tay bùn" chưa gây ra hậu quả tức thì. Thế nhưng, chúng ta đã có quá nhiều bài học từ việc phát triển rầm rộ nhiều loại cây khác, nếu thiếu thận trọng thì mươi, mười lăm năm nữa, rất có thể sẽ phải gánh chịu những hậu quả ngoài sức tưởng tượng.

Đưa một loại cây nào đó vào trồng ồ ạt mà không có sự nghiên cứu đầy đủ, để rồi sản phẩm không bán được thì hậu quả thế nào, có lẽ không phải bàn thêm. Từ những vấn đề nêu trên có thể nói: Một khi cả cơ quan quản lý và các nhà khoa học đều bày tỏ sự băn khoăn thì việc doanh nghiệp hay ngân hàng tấn phong danh hiệu "nữ hoàng tỷ đô" cho mắc ca một cách thiếu định hướng là điều cần xem xét lại. Một lẽ đơn giản, theo suy nghĩ thông thường, nếu thực sự quả mắc ca có giá trị như vậy thì chắc hẳn ở nơi xuất xứ của nó là Australia, người ta đã chẳng thể bỏ qua lợi ích mà mắc ca mang lại.

Đã đến lúc cơ quan quản lý cần chính thức vào cuộc khẳng định giá trị đích thực của loại cây này, cũng như những vấn đề liên quan. Việc quy hoạch loại cây "hoàng hậu quả khô" cũng cần đặt ra nghiêm túc. Bao giờ cũng vậy, cẩn trọng không thừa!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng không thừa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.