(HNM) - Kết thúc thời gian dài thí điểm, hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) đã được nâng tầm tại Điều 27 - Luật Đầu tư 2014 và mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP (ngày 14-2-2015) để điều chỉnh vấn đề này.
Những căn cứ trên được cho là rất cần thiết, sẽ góp phần giải tỏa "cơn khát" vốn đầu tư vào các công trình hạ tầng công cộng trong bối cảnh nợ công cao, khó huy động ngân sách nhà nước theo phương thức cũ. Vậy, vì sao PPP được kỳ vọng?
Theo các chuyên gia, hình thức đầu tư thông qua các hợp đồng hợp tác PPP nhằm giải quyết vấn đề thiếu vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, phát huy nguồn vốn của khu vực tư nhân vào việc cung cấp các dịch vụ công. Sử dụng PPP là sử dụng các "cốt vật chất" của các thành phần kinh tế khác vào trong Nhà nước, vào việc cung cấp dịch vụ công. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, hình thức đầu tư PPP sẽ giúp giải tỏa "cơn khát" vốn đầu tư. Mặt khác, PPP có tác động cộng hưởng cùng chiều với chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Hai vấn đề này đều góp phần làm cho bộ máy nhà nước trở nên gọn nhẹ hơn và thành phần kinh tế khác (nhất là kinh tế tư nhân) có thể phát huy hết tiềm lực của mình.
Tuy nhiên, hình thức đầu tư PPP cuối cùng phải được thể hiện dưới dạng hợp đồng, mà đối tượng của hợp đồng, điều kiện áp dụng, phương thức xác lập, sự hợp tác, nguồn luật điều chỉnh… đều không đơn giản (theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới, có hợp đồng PPP lên tới cả nghìn trang giấy). Vì thế, mặc dù PPP được kỳ vọng là rất tiềm năng nhưng cũng phức tạp, do đó khi thực hiện các hợp đồng PPP rất cần sự thận trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.