(HNM) - Hoạt động quảng cáo, bán mỹ phẩm trên các ứng dụng trực tuyến, trang thương mại điện tử, internet, mạng xã hội... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng kinh doanh các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Những năm gần đây, tình trạng buôn bán mỹ phẩm nhập lậu, mỹ phẩm giả, kém chất lượng... diễn biến hết sức phức tạp với phương thức thủ đoạn tinh vi. Qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều vụ vi phạm. Cụ thể, vừa qua, lực lượng chức năng đã đột kích, bắt giữ kho hàng lớn các loại nước hoa, mỹ phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại địa chỉ 76 An Dương (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ).
Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 9 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) Nguyễn Thế Sơn cho biết, đơn vị đã theo dõi hoạt động của kho hàng khoảng 2 tháng nay nhưng do dịch Covid-19 nên đến thời điểm này mới tiến hành kiểm tra, bắt giữ. Kho hàng được ngụy trang rất kỹ, thậm chí gắn camera theo dõi. Bên trong có hàng tấn nước hoa các loại được sản xuất theo quy trình công nghiệp. Vào thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng có mặt làm việc với cơ quan chức năng nhưng không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc số hàng trên.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin, các loại mỹ phẩm trên thị trường hiện nay rất đa dạng, đến từ nhiều nguồn khác nhau như: Nhập khẩu, hàng do người nhập cảnh mang về, sản xuất, gia công, đóng gói trong nước,… Trong đó, mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt, tuy nhiên trên các “khu chợ mạng” hình ảnh sản phẩm thật được các đối tượng sử dụng, quảng cáo để bán sản phẩm giả. Mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường được trà trộn và bán cùng hàng thật, khi khách hỏi mới đưa ra bán cho người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả trong nước (tự pha chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn…), mỹ phẩm nhập lậu. Mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng.
Do điều kiện kinh doanh không khắt khe như đối với thực phẩm, dược phẩm nên đối tượng kinh doanh mỹ phẩm rất đa dạng, đặc biệt ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm thông qua nhiều loại hình phân phối khác nhau, nổi bật là trên môi trường mạng internet.
Tuy nhiên, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường gặp nhiều khó khăn trong công tác giám sát, kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử. Do thiếu các công cụ hiệu quả để giám sát, theo dõi giao dịch cũng như truy xuất các đối tượng giao dịch, địa điểm kinh doanh, địa điểm cất giữ hàng hóa. Hơn nữa, nhiều cơ sở kinh doanh thương mại lại là các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân nên khó kiểm soát, giám sát, theo dõi.
Những tháng cuối năm 2021, dự báo tình trạng kinh doanh vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu thị trường nội địa diễn biến rất phức tạp, nhất là vấn nạn kinh doanh mỹ phẩm giả. Các đối tượng kinh doanh lợi dụng dịch bệnh để bán hàng hóa vi phạm theo nhiều hình thức, nhất là hình thức phân phối qua thương mại điện tử, đặc biệt là mạng xã hội. Thậm chí, các đối tượng còn lợi dụng hình thức chuyển phát bưu điện, thuê các điểm gần với khu dân cư đông đúc, nơi ở để làm nơi tập kết hàng hóa nên việc kiểm tra gặp khó khăn.
Trước những nguy cơ mỹ phẩm giả, kém chất lượng đến sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tới từng hộ kinh doanh tại những địa bàn trọng điểm để nâng cao nhận thức và giúp các cơ sở kinh doanh chủ động, tự giác phòng tránh hàng giả, kém chất lượng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp các cơ quan chức năng để tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống mỹ phẩm giả, kém chất lượng...
Ông Trần Việt Hùng khuyến cáo người dân nên mua mỹ phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm uy tín thường có hệ thống phân phối riêng, vì vậy rủi ro hàng giả, kém chất lượng sẽ thấp hơn nhiều so với các kênh phân phối ngoài hệ thống...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.