Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thận trọng khi chọn cổ đông chiến lược

Hương Ly| 09/05/2015 07:35

(HNM) - Theo kế hoạch cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong năm 2015 phải CPH 289 DN. Quý I-2015, 27 DNNN đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu. Như vậy, từ nay đến cuối năm, phải thực hiện CPH 262 DN, chiếm 90% tổng số DN phải CPH theo kế hoạch.

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết, để đẩy nhanh tiến độ CPH, với những DN gặp nhiều vướng mắc sẽ từng bước chuyển sang công ty cổ phần, sau đó mới phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Quan điểm của Chính phủ là CPH không phải bán bằng mọi giá và cần thận trọng khi lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Dự kiến, đến năm 2020 khu vực nhà nước sẽ chỉ còn khoảng 200 doanh nghiệp. Ảnh: Gia Hiếu



- Với kết quả CPH khối DNNN đã thực hiện trong quý I-2015, dường như việc CPH 289 DN trong năm 2015 sẽ khó có thể hoàn thành. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Trong quý I-2015, 27 DNNN thực hiện IPO và thoái vốn thông qua hai sở giao dịch chứng khoán (bằng 28% số lượng cả năm 2014). Tổng số lượng cổ phần chào bán trên 137,6 triệu cổ phần (bằng 10,4% cả năm 2014). Trong đó, tổng số lượng cổ phần đã bán được là trên 60,5 triệu cổ phần (chiếm 44% tổng số lượng cổ phần chào bán), thu được gần 1.251 tỷ đồng (bằng 11% cả năm 2014). Như vậy, 9 tháng tới còn phải CPH 262 DN, chiếm 90% tổng số DN phải thực hiện CPH theo kế hoạch năm 2015, tức mỗi ngày phải CPH 1 DN.

Theo yêu cầu của Chính phủ phải thực hiện CPH 432 DN trong hai năm 2014-2015... Trong năm 2015 còn phải CPH 289 DN. Đó là những DN đang triển khai, còn những DN không CPH do vướng mắc về tài chính, do không tìm được cổ đông chiến lược, hay gặp rủi ro phát sinh, thì Thủ tướng Chính phủ vẫn yêu cầu phải thực hiện bằng cách chuyển sang công ty cổ phần. Việc chuyển thành công ty đại chúng là cái đích cuối cùng.

- Mặc dù đã có nhiều phương án đẩy nhanh tiến độ, song thực tế tiến độ CPH DNNN vẫn diễn ra chậm so với lộ trình. Vậy, giải pháp nào sẽ được thực hiện để hoàn thành kế hoạch từ nay đến cuối năm, thưa ông?

- Với hơn 1.300 DNNN phải CPH từ đầu nhiệm kỳ, thì đến năm 2015 còn khoảng 500 DN đã là một bước tiến lớn... Mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020 sẽ tiếp tục thu hẹp để khu vực nhà nước chỉ còn khoảng 200 DN. Ngoài việc CPH, giải pháp trọng tâm của Chính phủ là nhằm thay đổi về "chất" đối với các DNNN. Theo tôi, CPH tuy chậm nhưng nhìn lại cũng làm được nhiều việc.

Để đẩy nhanh tiến độ CPH trong những tháng cuối năm nay, tới đây sẽ công bố tên, địa chỉ các DN chưa CPH và thời gian hoàn thành CPH. Bộ Tài chính đang phối hợp với Ban Đổi mới DN đôn đốc các DN sắp xếp lại danh mục và tiến tới xây dựng các danh mục sau CPH. Về phía Ủy ban Chứng khoán, cũng đã có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn về trình tự thủ tục đấu giá, ban hành nhiều văn bản rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ của các công ty chứng khoán nhằm bảo đảm tiến độ IPO cho các DN thực hiện CPH nhanh hơn.

- Phương án từng bước chuyển sang công ty cổ phần, sau đó mới IPO với những DN gặp nhiều vướng mắc trong quá trình CPH được cho là bước đi thông minh nhằm thực hiện quyết tâm của Chính phủ về việc giảm bớt DNNN. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Nhiều người cho rằng, khu vực DNNN là khu vực mà chủ sở hữu là một tập thể, chủ sở hữu ủy quyền chứ không phải chính thức. Tuy nhiên, khi chuyển sang đa sở hữu sẽ do thị trường giám sát, các cổ đông khác sẽ cùng với cổ đông nhà nước giám sát hoạt động của DN. Đó cũng là mô hình hiện đại nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Công ty đại chúng phải niêm yết trên thị trường chứng khoán, giúp huy động vốn dễ, đồng thời có sự giám sát của thị trường, của các nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức đánh giá độc lập.

Mục tiêu của Chính phủ lần này là CPH phải gắn với thị trường, có nghĩa là thay đổi về bản chất. Khi DN đã CPH phải theo luật chơi. Trên thực tế, vừa qua Công ty CP Điện Quảng Ninh chỉ vì lợi nhuận không đạt yêu cầu mà đã phải thay đổi cả ban lãnh đạo, mặc dù Chủ tịch, Tổng giám đốc rất có kinh nghiệm, nhưng đại hội cổ đông vẫn biểu quyết phải thay. Đó chính là áp lực đòi hỏi người điều hành phải có sự đổi mới một cách hiệu quả. Đây cũng là thông điệp của Chính phủ sẽ phải thực hiện nghiêm nhằm bảo đảm khu vực DNNN sẽ được thu gọn lại.

- Có ý kiến cho rằng, việc CPH các DN hiện nay chỉ thay đổi về vốn chứ chưa thay đổi về "chất". Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Thay đổi về "chất" là mục tiêu của chúng ta, nhưng không phải CPH bằng mọi giá. Đơn cử, trường hợp CPH Vietnam Airlines vừa qua chúng ta đã thận trọng để tìm cổ đông chiến lược. Tổng giám đốc của Vietnam Airlines cho biết, sau khi bán được giá mới tìm cổ đông chiến lược. Việc chọn cổ đông chiến lược với các lĩnh vực chuyên ngành như Vietnam Airlines cần phải thận trọng. Bởi, cổ đông chiến lược phải là người bạn đồng hành chứ không phải là đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải thay đổi cách thức đối với cổ đông chiến lược, vì chúng ta cần trí tuệ và công nghệ nên phải đến "tận cửa" nhà họ chào bán thì người ta mới mua của mình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thận trọng khi chọn cổ đông chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.