Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4

TS. Nguyễn Xuân Thông| 07/06/2012 05:40

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng. Nó làm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, hành động, thêm đoàn kết, khắc phục những yếu kém, hạn chế và cả sự thoái hóa, hư hỏng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong tổ chức Đảng và đảng viên.

Cách đây 65 năm, trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Bác Hồ đã chỉ rõ: "Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa để tiến bộ và để dạy bảo cán bộ và đảng viên". Là Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Bác Hồ luôn coi trọng và thường xuyên quan tâm tới nội dung tự phê bình và phê bình trong Đảng. Để cho Đảng ngày càng tiến bộ, xứng đáng là người lãnh đạo, đội tiên phong của giai cấp và của cả dân tộc, được nhân dân tin yêu, đi theo và ủng hộ đòi hỏi mỗi tổ chức của Đảng, cũng như mỗi đảng viên phải gương mẫu, "thường xuyên tự xét và xét đồng chí mình. Ai có khuyết điểm thì phải tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau". Bác Hồ nói: "Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình".

Nói tới tự phê bình và phê bình, Bác Hồ đã nhiều lần chỉ ra rằng: Việc tự phê bình và phê bình "phải làm từ trên xuống và từ dưới lên". "Cấp trên phê bình chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình chưa đủ, phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa". Phê bình mình cũng như phê bình người, phải làm ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Người nghiêm túc phê phán những nhận thức không đúng về phê bình và tự phê bình như: chỉ làm qua loa, che giấu khuyết điểm, sợ công khai phê bình... Phát biểu trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, tháng 11-1950, Bác Hồ căn dặn: "Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân. Trong anh em phải có phê bình và tự phê bình… Phải mở cửa khuyến khích lãnh đạo phê bình và tự phê bình". Bác khẳng định: "Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi".

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng chỉnh đốn Đảng trong thời kỳ mới, Hội nghị TƯ 4 (khóa XI) ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", trong đó xác định 3 vấn đề cấp bách: Thứ nhất, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng; Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; Thứ ba, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Ba vấn đề cấp bách được nêu trên, có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất, bởi đây là vấn đề làm cho quần chúng bức xúc nhất, gây mất lòng tin nhất và là vấn đề đang làm xói mòn bản chất, truyền thống tốt đẹp của Đảng ta. Để thực hiện kết quả một số vấn đề cấp bách nêu trên, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã đề ra 4 nhóm giải pháp, trong đó nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình nêu cao tính tiên phong gương mẫu của cấp trên được xác định là giải pháp đầu tiên.

Chỉ thị số 15-CT/TƯ của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) nêu cụ thể về: Nội dung kiểm điểm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên khi tiến hành tự phê bình và phê bình; đối tượng kiểm điểm và nơi kiểm điểm; phương châm và phương pháp tiến hành kiểm điểm, trong đó yêu cầu phải tự giác xem xét, nhìn lại mình, đánh giá đúng sự thật những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm phải thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng và định kỳ tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng.

Với quyết tâm chính trị của Đảng, được toàn Đảng, toàn dân hưởng ứng và thực hiện; với các mục tiêu, phương châm và giải pháp đúng đắn, phù hợp, chúng ta tin tưởng rằng Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) sẽ tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng mà mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra, nhằm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng của đất nước trước yêu cầu, nhiệm vụ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện Nghị quyết TƯ 4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.