Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thầm lặng làm nên những chiến công hiển hách

Bảo Hân| 10/07/2010 08:05

(HNM) - Ra đời trong khói lửa chiến tranh, 60 năm qua, ngành hậu cần quân đội luôn khắc ghi lời Bác dạy:


Bộ đội Trường Sa tăng gia sản xuất.


Truyền thống hào hùng
Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Phú, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần khẳng định: "60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ hậu cần nhân dân và cùng với hậu cần nhân dân, hậu cần quân đội từng bước hình thành và phát triển, trở thành một lực lượng quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần làm nên những chiến công hiển hách của quân đội, những thắng lợi vẻ vang của cách mạng nước ta". Ôn lại những mốc son vẻ vang của ngành hậu cần, Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Phú cho biết, sinh thời, mặc dù bộn bề công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lực lượng, nhiều lần thăm, chỉ đạo trực tiếp, gửi thư động viên, căn dặn cán bộ, chiến sĩ, nhân viên ngành hậu cần. Lời dạy của Bác luôn được khắc ghi và trở thành phương châm hành động.

Ngày 9-7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã long trọng tổ chức mít tinh kỷ niệm 60 năm truyền thống ngành hậu cần quân đội. Tại buổi lễ, Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: "60 năm qua, ngành hậu cần quân đội đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, trở thành tổ chức hậu cần chính quy, từng bước hiện đại". Theo Thượng tướng Phan Trung Kiên, để làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình trong giai đoạn cách mạng mới, ngành hậu cần quân đội cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối trực tiếp, toàn diện của Đảng; nâng cao chất lượng công tác hậu cần, quán triệt quan điểm hậu cần nhân dân; đẩy mạnh các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ IX, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Từ lời căn dặn "Yêu xe như con, quý xăng như máu", những đoàn xe vận tải trong hai cuộc kháng chiến cứu nước đã có nhiều đóng góp quan trọng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta mới chỉ có 700 xe ô tô ngày đêm vượt đèo, vượt núi chở thuốc men, đạn dược cho bộ đội thì trên tuyến vận tải Trường Sơn, để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược, lực lượng hậu cần quân đội đã xây dựng nhiều đơn vị vận tải chiến lược với số đầu xe hoạt động trên toàn tuyến lên 8.000 xe, bảo đảm vận chuyển người, vũ khí, trang bị và đáp ứng các yêu cầu cho chiến trường. Cùng với hàng nghìn chuyến xe phục vụ cho các chiến dịch lớn làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, ngành hậu cần xây dựng hàng nghìn kilômét đường ống dẫn dầu nối từ Bắc vào Nam cùng hàng trăm trạm sửa chữa ngay trong lòng đại ngàn Trường Sơn, kịp thời thay thế, khắc phục phương tiện kỹ thuật bị hư hỏng. Theo Đại tá Nguyễn Văn Cường, Chính ủy Cục Vận tải, riêng trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, tuyến vận tải hậu phương đã vận chuyển vật chất kỹ thuật, khí tài với gần 46 triệu tấn/km, gấp 10 lần chiến dịch Điện Biên Phủ; đặc biệt đã phục vụ bộ đội hành quân vào chiến dịch với gần 100 triệu người.


Nối tiếp chiến công
Thượng tá Nguyễn Thanh Hà, Cục Hậu cần quân chủng hải quân đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào thi đua làm theo lời Bác. Đặc điểm của công tác bảo đảm hậu cần cho quần đảo Trường Sa, nhà dàn DK là hầu hết các loại vật chất hậu cần đều phải đưa từ đất liền ra, phải bảo quản dự trữ dài ngày, công tác vận chuyển, tiếp tế rất phức tạp, thiếu các phương tiện chuyên dùng, phụ thuộc vào thời tiết… Do vậy, để bảo đảm công tác hậu cần cho nơi đây, ngành hậu cần quân chủng hải quân đã tổ chức tốt công tác tạo nguồn theo phân cấp. Các đảo đã tích cực tổ chức tăng gia sản xuất để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ giải quyết một phần nhu cầu về thực phẩm tươi sống; bước đầu triển khai thử nghiệm và sử dụng một số trang thiết bị mới như hệ thống năng lượng sạch, giải quyết chất thải sinh hoạt cho đảo… đạt kết quả tốt. Vượt qua mọi gian khổ, ngành hậu cần quân chủng hải quân luôn coi những lời dạy của Bác là tư tưởng chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Tại Quân khu 4, ngành hậu cần đã cụ thể hóa và thực hiện sâu rộng với nhiều cách làm hiệu quả, xây dựng được nhiều mô hình điển hình như, mô hình tăng gia sản xuất chăn nuôi cấp tiểu đoàn gắn với bếp ăn và cấp trung đoàn gắn với trại chăn nuôi, giết mổ, chế biến tập trung cho 100% đơn vị. Phong trào tiết kiệm từ chi tiêu hằng ngày xây dựng Quỹ Vì người nghèo thu được nhiều kết quả trong hỗ trợ người nghèo, tổ chức các việc làm tình nghĩa… Còn ở Binh đoàn Cửu Long, phong trào thi đua làm theo lời Bác đã trở thành động lực thúc đẩy, tạo sự chuyển biến tiến bộ toàn diện, hiệu quả trên các mặt công tác hậu cần; tổ chức tốt việc chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng bộ đội, phòng chống dịch bệnh ở các tuyến; công tác xây dựng cơ bản được thực hiện tốt, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội; tổ chức tốt việc khai thác vận chuyển, quản lý, cấp phát vật tư xăng dầu bảo đảm an toàn tuyệt đối…

Theo Thiếu tướng Trần Thanh Hải, Phó Chính ủy Tổng cục Hậu cần, từ năm 1995, toàn ngành hậu cần triển khai phong trào thi đua "Ngành hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy". Phong trào đã được các đơn vị trong toàn quân hưởng ứng thực hiện và đạt những kết quả thiết thực, quan trọng. Phong trào lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, nhất là các vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương. Nhìn lại 15 năm thực hiện, phong trào đã phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, được các đơn vị hậu cần trong toàn quân tích cực hưởng ứng. Phong trào đã đưa được những giá trị tư tưởng, lời dạy của Bác đối với ngành hậu cần vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng làm nên những chiến công hiển hách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.