(HNM) - Nhắc đến ca sĩ Phan Huấn là phải nhắc đến nhiều ca khúc nổi tiếng mà ông là người đầu tiên thể hiện, thu âm trên sóng phát thanh như
Trước thềm năm mới, tìm lại giọng nam trung trữ tình thuở nào từ các đoạn phim đen trắng hiếm hoi trên internet lại thấy sự trở về hào hùng của những mùa xuân cách mạng những năm kháng chiến ấy.
Nhạc sĩ, ca sĩ Phan Huấn. |
Đến với âm nhạc từ rất sớm, năm 1954 Phan Huấn đã có sáng tác về bộ đội giải phóng Thủ đô. Sau đó Phan Huấn đoạt giải nhất đơn ca tại TP Hải Phòng và được giới thiệu vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc hệ chính quy do các chuyên gia Liên Xô (cũ) đào tạo, Phan Huấn về công tác tại Đoàn Ca múa Hồng Quảng (giờ là Quảng Ninh). Năm 1967, ông chuyển về Trường Sư phạm nhạc họa trung ương, là người đầu tiên viết giáo trình thanh nhạc cho trường, đồng thời góp công đào tạo những giáo viên âm nhạc ngay từ thuở ban đầu. Phan Huấn cũng là thầy giáo nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi danh của dòng nhạc chính thống.
Làm công việc của một nhà đào tạo, đồng thời là một diễn viên, ông có may mắn được đi khắp mọi vùng miền Tổ quốc. Và có thể khẳng định, Phan Huấn là nhạc sĩ của nhiều miền quê. Những năm 1960, ông đã đào tạo lớp thanh nhạc cho Hồng Gai (Quảng Ninh) và hát cho công nhân ở hầm lò, cho đồng bào ở Đông Bắc nghe. Phan Huấn cũng là người thể hiện bài hát "Nhớ ơn Hồ Chí Minh" của nhạc sĩ Tô Vũ, được phát liên tục tại Quảng trường Ba Đình trong những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9-1969. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã đến các công trường, trận địa, vùng sâu, biên giới hải đảo. Những tác phẩm do ông thể hiện đầu tiên đều được đông đảo người nghe ghi nhận và cổ vũ như "Hành khúc ngày và đêm" (Phan Huỳnh Điểu), "Sông Đak Krông mùa xuân về" (Tố Hải), "Đàn T'rưng" (Nguyễn Viêm), "Tiếng hát dâng Đảng" (Lưu Hữu Phước), "Bộ đội về làng" (Lê Yên), "Tình ta biển bạc đồng xanh" (Hoàng Sông Hương)... Đặc biệt ca khúc "Hành khúc ngày và đêm" do ông thể hiện đã góp phần cổ vũ cho lớp lớp các chiến sĩ ra trận. Chiến trường ác liệt nhưng cũng nhiều kỷ niệm, nghệ sĩ Phan Huấn không bao giờ quên chuyện một thương binh yêu cầu rằng trước khi chết phải được nghe Phan Huấn hát. Và ông đã hát trực tiếp trước phòng bệnh dã chiến. Không còn tay để vỗ, nước mắt người lính chan hòa...
Hòa bình lập lại, Phan Huấn có mặt ở Minh Hải (Cà Mau). Sau chuyến đi cùng đoàn thương binh Minh Hải ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác Hồ trở về, ông sáng tác ca khúc "Vùng trời cuối đất một tình yêu" (NSND Thu Hiền thể hiện) và rất được yêu thích. Ở Vũng Tàu, Sông Bé, Tây Ninh…, Phan Huấn đều có mặt để sáng tác và hát cho công nhân, nông dân nghe. Với Thủ đô yêu dấu, ông cũng gửi gắm những giai điệu tha thiết như: "Nói với Hồ Gươm", "Hà Nội ơi màu xanh", "Phố bên sông"… Nhiều nhà báo, giáo sư, nhà nghiên cứu lý luận phê bình uy tín đã dành những trang viết trân trọng, khẳng định sự đóng góp cống hiến của Phan Huấn với âm nhạc cách mạng ở cả 3 lĩnh vực giảng dạy, biểu diễn và sáng tác ca khúc. Ông cũng đã được nhận 9 Huy chương Vàng cho các sáng tác cũng như các chương trình dàn dựng tại nhiều cuộc thi âm nhạc toàn quốc.
Trong lần hiếm hoi gặp ông, hỏi ông đã được phong NSND, NSƯT gì chưa? Ông chỉ cười rồi nói sang chuyện khác. Xuyên suốt mấy cuộc chiến, dấn thân trên mặt trận âm nhạc cách mạng ngót 60 năm qua, Phan Huấn đã sống hết mình với tư cách là một nghệ sĩ, nhà sư phạm uy tín và hết sức lặng thầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.