Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham khảo nhiều kênh thông tin trước khi bỏ phiếu tín nhiệm

Hà Phong| 04/06/2013 22:00

(HNMO) - Bên lề Quốc hội, ngày 4-6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Lê Như Tiến đã trao đổi với báo chí về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm...

-Ông đánh giá thế nào về quy trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cũng như các báo cáo kiểm điểm của các chức danh chủ chốt mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nhận được để chuẩn bị cho đợt lấy phiếu tín nhiệm sắp tới?

-Tôi cho rằng đây là một việc làm đề cao trách nhiệm của những người do QH bầu hoặc phê chuẩn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của các vị ĐBQH làm sao bỏ lá phiếu do nhân dân tin cậy gửi gắm thật chuẩn xác, trung thực.

Với các báo cáo công việc của các vị được QH bầu hoặc phê chuẩn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới, tôi cũng đã xem và tiếp cận và thấy phần nhiều các báo cáo khá là đầy đủ chi tiết. Trong đó, nói rõ các công việc của bản thân mình của ngành mình và nêu những nguyên nhân những khó khăn, thuận lợi. Cũng có nhiều báo cáo nhận rõ trách nhiệm của mình về những yếu điểm, tồn tại, bất cập trong quản lý điều hành của ngành mình. Tuy nhiên qua một số báo cáo tôi chưa thấy nêu lên khuyết điểm, nhược điểm và đề ra hệ thống giải pháp để khắc phục. Cũng có nhiều báo cáo nặng về kể thành tích những công việc mình đã làm được trong thời gian vừa qua. Còn báo cáo nói sâu về những nhược điểm, tồn tại để thấy được rằng trong thời gian vừa qua, vị đó, ngành đó có những yếu điểm gì, từ đây đề ra giải pháp khắc phục như thế nào thì đại biểu QH đang trông chờ.

Đại biểu QH Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Ảnh: giaoduc.net.vn


-Thưa ông bên cạnh báo cáo của các chức danh sắp tới tiến hành bỏ phiếu thì đâu là cơ sở để cho các đại biểu đánh giá thực hiện bỏ là phiếu của mình?

-Tôi nghĩ rằng ĐBQH không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo mà có rất nhiều kênh để tìm hiểu những người mà mình bỏ phiếu. Cụ thể là kênh tiếng nói cử tri nơi các vị ấy cư trú, công tác; kênh dư luận xã hội; các phương tiện thông tin đại chúng; rồi những chuyên gia trong lĩnh vực chuyên sâu. Những vấn đề này, nhiều cử tri biết hết và tôi tin cử tri cũng đánh giá khá khách quan đối với từng vị một, từng lĩnh vực, từng ngành. Tôi cho rằng ĐBQH phải có nhiều kênh khác nhau chứ không chỉ có trông vào bản báo cáo mà tự mình phải tìm hiểu, tự mình phải quyết đoán phải biết được như thế nào là đúng là sai để cân nhắc trước khi mình bỏ lá phiếu. Bởi việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là rất quan trọng đối với việc đánh giá con người đặc biệt là đối với những cán bộ cao cấp ở các lĩnh vực, các cương vị công tác trọng trách. Lấy phiếu tín nhiệm chính là thước đo trách nhiệm cá nhân không chỉ đối với 47 vị được lấy phiếu tín nhiệm đợt này mà chính là thước đo trách nhiệm cá nhân của từng vị ĐBQH trước cử tri, trước nhân dân.

-Vậy sự kỳ vọng của cử tri có được đặt đúng chỗ khi tin tưởng vào các ĐBQH?

-Tôi cho rằng cử tri đã tin tưởng bầu ra ĐBQH thì cử tri cũng sẽ tin tưởng vào lá phiếu của ĐBQH. Cũng có thể có người này người kia do thiếu thông tin cũng không được chính xác trong quá trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng tôi cho răngđại đa số ĐBQH tôi cho rằng là khách quan, trách nhiệm, công tâm và làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình được cử tri tín nhiệm giao phó trọng trách này.

-Thưa ông, liệu có sự vận động, tác động ngoài lề trong quá trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm?

-Tôi chưa thấy có sự vận động nào. Còn cũng có thể có các vị tâm sự hoặc trao đổi với ĐBQH để cho các vị ĐBQH thấy rõ mình hơn cũng là một cơ hội để ĐBQH hiểu rõ người mình sắp bỏ phiếu.

-Vậy trước khi chưa có chủ trương này, việc tiếp xúc này có thường xuyên không, thưa ông?

-Với ai tôi không biết nhưng với bản thân tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với các vị cả bên hành pháp, lập pháp, tư pháp và coi đấy là một nhiệm vụ thường xuyên của ĐBQH. Chính các vị trong các cơ quan đó cũng cho rằng tiếp xúc với đại biểu là chuyện bình thường. Ở các nước khác cũng thế thôi. Sự tiếp xúc này cũng là thường xuyên để hiểu nhau hơn và thúc đẩy công việc.

-Như ông nói khi đọc bản báo cáo của các chức danh được bỏ phiếu vẫn có những bản chưa dám nhìn thẳng vào sự thật. Ông có thể nói rõ hơn về điều này được không?

-Cái đấy thì không phải là tất cả mà chỉ một số thôi. Không phải tất cả các báo cáo đều không nhìn thẳng vào sự thật mà rất nhiều báo cáo đầy đủ chính xác trung thực có cả phần ưu điểm, khuyết điểm nguyên nhân, hệ thống giải pháp. Nhưng cũng còn một số báo cáo phần đánh giá về thành tích thì đậm đà nhưng phần nói về thành tích thiếu sót còn mờ nhạt và đặc biệt chưa đặt ra những hệ thống giải pháp để thúc đẩy công việc trong tương lai.

-Có bản báo cáo nào người đứng đầu bộ ngành còn nhiều bất cập, tồn tại nhưng trong bản báo cáo lại chưa đề cập đến, ông có nhận thấy điều đó không?

-Cũng có một số báo cáo như thế ở một số vị đứng đầu một số bộ ngành.

-Về báo cáo của ngành y tế thì như thế nào?

-Tôi thấy Bộ trưởng Bộ y tế cũng nêu những nguyên nhân, những tồn tại, ưu điểm. Đặc biệt, có đánh giá những khuyết điểm nhất trong thời gian vừa qua như việc tiêm vắc xin rồi y đức, áp lực trong các bệnh viện, hiệu quả khám chữa bệnh. Nếu có những đánh giá kỹ hơn về những khuyết điểm đó thì báo cáo sẽ tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham khảo nhiều kênh thông tin trước khi bỏ phiếu tín nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.