Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảm họa tại Nhật là hồi chuông cảnh báo với VN

TTXVN| 28/05/2011 18:58

Trong các ngày từ 25 đến 29/5, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản.


Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Tokyo đã phỏng vấn Phó Thủ tướng về kết quả chuyến thăm cũng như những cảm nhận của ông về Nhật Bản hơn hai tháng kể từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần hồi tháng Ba vừa qua.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết trong khuôn khổ Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 17 ở Nhật Bản, đoàn đã làm việc với chính giới Nhật Bản và các bộ, ngành của nước sở tại như Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính, cũng như với các tổ chức kinh tế lớn như JBIC, JICA và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren).

Trong các cuộc làm việc này, Phó Thủ tướng đã bày tỏ sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với những mất mát về người và của của người dân Nhật Bản trong thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 cũng như sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1.

Phía Việt Nam cũng thể hiện quan điểm là với tư cách là đối tác chiến lược của Nhật Bản, Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trong việc khôi phục lại nền kinh tế cũng như các cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá bởi thảm họa thiên tai. Đặc biệt, đoàn cũng trao đổi với các bộ của Nhật Bản về việc tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác liên quan tới nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Đáng chú ý, dù trong hoàn cảnh khó khăn, Nhật Bản vẫn khẳng định nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ không bị cắt giảm hoặc thay đổi. Năm 2010, tổng vốn ODA mà Nhật Bản dành cho Việt Nam là 150 tỷ yen.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh thảm họa động đất-sóng thần vừa xảy ra cũng như sự cố hạt nhân ở Nhật Bản là một hồi chuông cảnh báo đối với Việt Nam. Theo ông, mặc dù Việt Nam đã có chiến lược phòng chống thiên tai cho đến năm 2020 và 2030 và đã xây dựng các chương trình hành động của tất cả các bộ, ngành và địa phương cũng như các chương trình hành động quốc gia về phòng chống thiên tai, với mục tiêu hạn chế mức thấp nhất thiệt hại đối với con người và tài sản của nhân dân và nền kinh tế, nhưng trong khoảng 10 đến 15 năm qua, mỗi năm, Việt Nam bị thiệt hại trung bình 1 đến 2% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 500 người thiệt mạng do thiên tai.

Về các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng cho biết hiện Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, để triển khai các dự án theo hướng phòng chống, ứng phó và giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai đối với Việt Nam. Hiện Việt Nam đang thực hiện 20 dự án và chương trình với Nhật Bản và các quốc gia khác, với tổng kinh phí 1,3 tỷ USD, nhằm triển khai các giải pháp để ứng phó với thảm họa thiên nhiên và khoảng 10 dự án khác có kinh phí 1,3 tỷ USD cũng sẽ được triển khai.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đây là những hành động mà Việt Nam đang triển khai hết sức quyết liệt để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và hạn chế tác hại của nó đối với người dân và xã hội.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao các nỗ lực và giải pháp hết sức tích cực mà người dân, Chính phủ Nhật Bản và các tổ chức quốc tế đã phối hợp nhằm khắc phục sự cố hạt nhân và các hậu quả của thảm họa động đất-sóng thần./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thảm họa tại Nhật là hồi chuông cảnh báo với VN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.