Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nhiều thách thức ở phía trước

Anh Minh| 13/01/2015 06:48

(HNM) - Các chuyên gia cảnh báo, nếu DN

Doanh nghiệp "bơi" chậm

Năm 2015 là năm đầu tiên nền kinh tế Việt Nam tham gia AEC, với đặc điểm nổi bật là tự do hóa thương mại, di chuyển dòng vốn. Trước tình hình đó, DN thuộc một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng đang đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt. Đơn cử, gần 10 năm qua, các DN Thái Lan đã chủ động thâm nhập từng bước vào thị trường Việt Nam thăm dò nhu cầu, thị hiếu, sức mua của người tiêu dùng. Dạo qua thị trường thấy ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng trưng biển "bán hàng Thái Lan". Đặc biệt, hàng năm bộ phận thương vụ thuộc Đại sứ quán Thái Lan đều phối hợp với DN nước này mở triển lãm, bán hàng tại Hà Nội cũng như khẳng định mục tiêu tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Như vậy, các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng quen thuộc với đời sống do DN "nội" sản xuất sẽ chịu áp lực cạnh tranh sớm và khá gay gắt.

Các doanh nghiệp “nội” cần thúc đẩy sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối để có thể cạnh tranh khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ảnh: Bảo Lâm


Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm cùng loại do DN hai nước sản xuất hiện có chất lượng tương đồng, nhưng sản phẩm của DN Việt Nam thường kém sức cạnh tranh về mẫu mã, sự tiện dụng và giá. Đây sẽ là những điểm yếu không dễ khắc phục một sớm một chiều. Đối với những mặt hàng đòi hỏi công nghệ, giá trị cao DN "nội" cũng gặp bất lợi. Đơn cử, từ cuối năm 2014, một số hãng ô tô nổi tiếng có cơ sở sản xuất ở Thái Lan, Malaysia đã ra mắt một số mẫu xe được người tiêu dùng hết sức quan tâm. Các bước thăm dò sẽ còn tiếp diễn với cường độ mạnh hơn để sẵn sàng tham gia thị trường nhờ việc giảm dần thuế tiến tới bãi bỏ thuế suất nhập khẩu mặt hàng này vào năm 2018. Những sản phẩm là nguyên, vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp cũng không suôn sẻ hơn. Sản xuất thép trong nước đã đến hồi thừa cục bộ do sức tiêu thụ trong nước kém, thường xuyên phải cạnh tranh về giá với sản phẩm các quốc gia khác, nhất là thép Trung Quốc.

Xi măng nội cũng ở hoàn cảnh tương tự do cung đã vượt cầu, phải tìm thị trường xuất khẩu; trong khi các nước ASEAN cũng đang trong tình trạng khủng hoảng thừa nghiêm trọng hơn. Như vậy, DN trong nước phải cạnh tranh ở cả thị trường nội và thị trường xuất khẩu. Một thực tế "lạ" nữa là, tuy DN Việt nổi tiếng là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về đồ gỗ, nhưng ngành gỗ Việt Nam lại đang thua ở thị trường nội địa; không ít gia đình, kể cả cơ quan hành chính cũng đang dùng đồ gỗ nội thất nhập khẩu. Khảo sát một số phố nội thất tại Hà Nội sẽ thấy nhiều mặt hàng do DN Trung Quốc, Malaysia sản xuất. Ngay tại Melinh Plaza - Trung tâm thương mại hàng đầu Hà Nội, tới 80% sản phẩm nội thất bày bán có xuất xứ ngoại nhập.

Cần sự chủ động

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, trước mắt, khi thuế suất giảm xuống và lùi dần về 0%, hàng công nghiệp và nông sản từ các nước ASEAN nói chung, đặc biệt là 6 quốc gia có trình độ phát triển cao hơn và đã chuẩn bị rất kỹ cho quá trình hội nhập sâu rộng này sẽ tràn vào Việt Nam. Ông Doanh cho rằng, nếu DN Việt Nam thực hiện tái cấu trúc hiệu quả để bước vào cuộc canh tranh này thì có thể hưởng lợi từ hội nhập AEC. Ngược lại, DN Việt Nam sẽ có nguy cơ thua ngay trên sân nhà, công nhân Việt Nam sẽ phải làm thuê cho các DN ASEAN.

Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để mỗi ngành và DN có lộ trình thực hiện. Trong đó, các chính sách cần bảo đảm mục tiêu vừa thúc đẩy xuất khẩu nhưng cũng phải đặt ra những rào cản để bảo vệ DN, hàng hóa và người lao động trong nước một cách hợp lý. Các hiệp hội DN nên thu thập thông tin, phổ biến cho DN hiểu những lợi thế và thách thức đối với mỗi đơn vị. Đặc biệt, DN cần tranh thủ thời gian, xác định rõ cơ hội hội nhập khu vực để nhanh chóng thâm nhập thị trường 3 nước đang "khát" hàng Việt Nam gồm: Lào, Campuchia, Myanmar và cạnh tranh với hàng hóa các quốc gia phát triển còn lại ngay trên "sân nhà". Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế nhất định về sản phẩm dệt may, da giày, chế biến nông, thủy sản, dịch vụ phần mềm, một số dịch vụ trong y học và kết hợp du lịch với chữa bệnh, nghỉ dưỡng... Những hàng hóa, dịch vụ này đang được hy vọng có thể chống đỡ với sản phẩm tương tự của các DN AEC.

Về phía DN, mỗi đơn vị cần khẩn trương nâng cấp toàn diện "sức khỏe" của mình, từ nguồn lực đến công nghệ hoặc kỹ năng quản trị… nhằm duy trì, nâng cao thị phần trên thị trường trong nước, kết hợp hài hòa với hoạt động xuất khẩu. Nhìn chung, không thể có công thức áp dụng cho tất thảy DN, nhưng vẫn không thể bỏ qua một số "bài" quen thuộc, gồm thay đổi công nghệ, tăng cường quảng bá và mở rộng hệ thống phân phối, liên kết với đối tác…

Khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 76% DN nội không biết gì về AEC, 94% DN không hiểu rõ nội dung đàm phán, 63% DN không hiểu về những cơ hội và thách thức khi tham gia AEC...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nhiều thách thức ở phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.