(HNM) - Hôm nay, Hà Nội sẽ tổ chức Lễ tuyên dương 123 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn.
Cùng với việc tổ chức thường niên hoạt động này, thời gian qua Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc trọng dụng, sử dụng nhân tài trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt mới đây, sau khi Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2013, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết số 14/2013/NQ-HĐND nhằm thu hút những người có thành tích đặc biệt xuất sắc về công tác tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Có thể thấy, "thảm đỏ" đã được trải, nhưng tính ra 10 năm qua mới chỉ có 1/10 số thủ khoa về công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố và sự cống hiến của họ chưa được phát huy ở mức tối đa. Đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Các thủ khoa năm 2013 tại lễ ghi danh sổ vàng tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Ảnh: Đăng Anh |
Thực tại cần suy nghĩ
Thủ khoa xuất sắc Nguyễn Tuấn Anh vừa tốt nghiệp ngành Quản lý ngân sách nhà nước (Học viện Tài chính) chia sẻ, với năng lực và kiến thức của mình, em tự tin có thể công tác tốt tại các cơ quan của thành phố. Tuy nhiên, tại thời điểm này em chưa quyết định vào làm công chức nhà nước. Không phải "chê" mức lương thấp, nhưng em không muốn bỏ lỡ cơ hội nhận học bổng học tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ, kiến thức.
Không chỉ các tân thủ khoa băn khoăn với chuyện việc làm, không ít thủ khoa đang công tác tại các sở, ngành, đoàn thể của thành phố cũng nhiều trăn trở. Nguyễn Hồng Vân, thủ khoa xuất sắc khoa Công nghệ sinh học (Viện Đại học Mở Hà Nội) năm học 2010-2011, hiện là Phó Chánh văn phòng Thành đoàn Hà Nội cho biết, vì công việc không liên quan đến kiến thức đã học, nên đôi khi em thấy "phí", sắp tới em sẽ học cao học về Quản lý hành chính nhà nước, rồi mới tính tiếp sự nghiệp lâu dài. Vũ Thị Hương Lan, thủ khoa xuất sắc năm học 2010-2011 Đại học Sân khấu - Điện ảnh, khoa Diễn viên cải lương, hiện là cán bộ Ban Thanh niên trường học Thành đoàn Hà Nội là con nhà "nòi" khi cả hai bố mẹ đều theo nghiệp sân khấu, song vì ưa thích môi trường năng động, nên em chấp nhận làm việc trái ngành nghề được đào tạo.
Xây dựng chính sách cần sát với cuộc sống
Trên thực tế, Hà Nội đã triển khai nhiều chính sách để thu hút nhân tài, nhưng 10 năm qua mới chỉ có 103/1.203 thủ khoa xuất sắc về làm việc tại các sở VH,TT&DL, Y tế và một số cơ quan đoàn thể của thành phố. Lý giải tình trạng thủ khoa chưa mặn mà với chính sách "trải thảm đỏ" của thành phố, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn cho rằng, các thủ khoa khi ra trường có 4 hướng để lựa chọn. Trước hết, đa số họ được giữ lại trường để làm giảng viên. Thứ hai là đi học tập ở nước ngoài, vì với thành tích xuất sắc, các em được rất nhiều trường nổi tiếng mời chào. Thứ ba là các doanh nghiệp có mức thu nhập cao cũng luôn mở rộng cánh cửa chào đón các thủ khoa. Do vậy, sự lựa chọn cuối cùng các em mới vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc Nhà nước. Khó khăn trong việc thu hút các thủ khoa vẫn là do mức lương khối hành chính - sự nghiệp luôn thấp hơn nhu cầu cuộc sống, nhất là so với người có trình độ kiến thức vượt trội như các thủ khoa xuất sắc.
Rõ ràng, thực trạng trên cho thấy, vấn đề thu hút nhân tài của Hà Nội đang nổi lên một loạt vấn đề cần được nghiên cứu. Nhiều thủ khoa cho biết, tại năm được tuyên dương các em còn bận với kế hoạch tiếp tục học tập mất 1-2 năm, thậm chí là 3-4 năm du học nước ngoài; sau đó dù muốn về cống hiến cho thành phố lại không còn được hưởng chính sách "trải thảm đỏ" như các tân thủ khoa. Và ngay cả chính sách "giữ chân" nhân tài cũng cần được xem xét. Theo quy định đang áp dụng, các thủ khoa xuất sắc về làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố sẽ có cam kết thực hiện công việc trong 7 năm. Trong khi đó, được biết nhiều em coi đây là thời gian "thử nghiệm" vừa học, vừa làm, sau đó sẽ tìm những công việc mới tốt hơn.
Vậy, làm thế nào để việc thu hút và "giữ chân" nhân tài thực sự hiệu quả? Nhiều người cho rằng, thành phố cần nghiên cứu thêm về các chính sách ưu đãi, ràng buộc, cơ chế có tính chất bền vững hơn. Đó mới là giải pháp căn cơ cho vấn đề nhân lực chất lượng cao và giải quyết triệt để tình trạng "chảy máu chất xám".
Chiều 24-8, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành đoàn Hà Nội tổ chức lễ ghi danh Sổ vàng thủ khoa xuất sắc năm 2013 cho 123 thủ khoa xuất sắc. Sau lễ ghi danh, đại diện lãnh đạo Thành ủy, các chuyên gia, nhân sĩ, trí thức đã giao lưu, chia sẻ với các thủ khoa vấn đề thời sự hiện nay, đó là việc lớp trẻ tham gia mạng xã hội, các sáng kiến, giải pháp trong việc thu hút, tập hợp, giáo dục, định hướng cho thanh niên thông qua mạng xã hội. Các thủ khoa đã đặt nhiều câu hỏi và được các lãnh đạo, chuyên gia trao đổi cụ thể về vai trò của thanh niên nói chung, thủ khoa nói riêng đối với việc tham gia các mạng xã hội, lợi ích, tác hại và những tác động của mạng xã hội đối với lớp trẻ hiện nay... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.