Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tham bát bỏ mâm?

Hà Vũ| 11/08/2010 06:34

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch đã có bước tăng trưởng ấn tượng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn 34% so với cùng kỳ năm 2009. Điều này thể hiện sinh động, tiềm năng của ngành


Mấy năm gần đây, nhiều tỉnh, thành phố đua nhau tổ chức lễ hội này, năm du lịch kia. Một số địa phương còn sáng tạo tổ chức các cuộc thi riêng hay tổ chức các sự kiện quốc tế để quảng bá, thu hút khách du lịch. Nhiều lễ hội diễn ra hoành tráng, được truyền tin trên sóng quốc gia, quốc tế. Nếu cứ trông vào sự ồn ào của những hoạt động đó, có lẽ ai cũng nghĩ, ngành du lịch đang phát triển như vũ bão, khách tây, khách ta nườm nượp kéo đến và móc hầu bao. Việc tổ chức các sự kiện như thế xem ra dễ dàng mà đem lại tiếng vang tốt. Có địa phương còn được khen là biết đầu tư đúng chỗ. Có lẽ vì cái bề nổi hấp dẫn đó mà dường như đang có một cuộc đua sôi động trong việc tổ chức các sự kiện dạng này.

Không thể phủ nhận thực tế là các lễ hội, năm du lịch, các cuộc thi quốc tế như bắn pháo hoa, hoa hậu, ẩm thực… đã đem đến những "làn gió mới" cho ngành du lịch và thế giới ngày càng bị hấp dẫn hơn bởi du lịch Việt Nam. Thế nhưng, đằng sau đó, tiềm ẩn không ít vấn đề bởi chi phí tổ chức các sự kiện loại này tốn kém đã đành, nếu đem cân đong với hiệu quả mang lại chưa hẳn đã khiến chúng ta hài lòng. Thế mới có chuyện, cơ quan quản lý nhà nước phải ra chỉ thị nhằm hạn chế lễ hội và tổ chức kiểm tra, giám sát tránh lãng phí trong việc tổ chức. Chưa kể đến hiệu quả đầu tư và những hệ lụy mang tính xã hội khác.

Tuy nhiên, đó chưa phải là điều đáng bận tâm nhất trong xu hướng phát triển du lịch hiện nay. Điều đáng quan tâm là dường như các địa phương quá "say mê" với việc đầu tư tổ chức các sự kiện thu hút du lịch nói trên mà quên hoặc thiếu chú ý đến những giá trị cốt lõi làm nên sức hút về du lịch của địa phương mình. Vẫn còn đó những lời kêu ca của khách du lịch về địa điểm thăm thú, vui chơi, cách người dân, người bán hàng ứng xử với khách du lịch, khách sạn, nhà hàng, vệ sinh môi trường… ngay trước, trong và sau các sự kiện. Chưa kể, một vấn đề đáng lo khác tồn tại lâu nay là chất lượng nhân lực ngành du lịch: các báo cáo từ vài năm trở lại đây đều nhận định là "thiếu và yếu". Đây là vấn đề "nóng" đối với ngành du lịch Việt Nam, nhưng thay vì việc đầu tư lớn, tập trung cải thiện những vấn đề trên, nhiều địa phương đang lảng tránh việc khó để theo đuổi những sự kiện "tốn kém, chóng qua, nhưng dễ làm, dễ nổi".

Đồng ý là việc tổ chức sự kiện, sáng tạo các hình thức thu hút khách khác nhau rất cần thiết, nhưng không thể quá chú trọng đến phát triển du lịch theo kiểu đó trong khi sức hút thực sự vẫn còn… "tiềm ẩn". Một khi những giá trị cốt lõi chưa được đầu tư xứng đáng để tạo nên sức hút, thì có đầu tư tốn kém đến mấy cho các hoạt động bề nổi đi nữa cũng chỉ như "muối bỏ biển"; khách cứ đến rồi đi, không đọng lại điều gì, còn ngành du lịch thì vẫn "bấp bênh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tham bát bỏ mâm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.