(HNMCT) - Tin nhắn của TS.KTS Trần Thanh Bình "Má anh vừa đi sáng nay rồi" khiến tôi thảng thốt. Vẫn biết sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của tạo hóa, vẫn biết Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên rời xa cõi tạm ở cái tuổi 106, nhưng khi nghe tin nữ danh cầm Việt Nam đã phiêu du miền mây trắng, tôi cũng như những đồng nghiệp, công chúng yêu âm nhạc vẫn vời vợi nỗi tiếc thương.
1. Nghệ sĩ Thái Thị Liên sinh ngày 4-8-1918 tại Chợ Lớn - Sài Gòn trong một gia đình trí thức thượng lưu. Thân phụ là cụ Thái Văn Lân, một trong những kỹ sư điện đầu tiên của Việt Nam tốt nghiệp tại Pháp. Thân mẫu là cụ Kha Thị Lâm. Tiếp thu nền văn minh phương Tây, cụ Thái Văn Lân đã áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại, tạo mọi điều kiện để các con phát triển toàn diện. Cụ khuyến khích con đọc sách, chơi đàn, vẽ... và các con của cụ đều được học đàn trước khi học chữ. Chị gái của bà, nghệ sĩ Thái Thị Lang là nữ nghệ sĩ piano Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Paris. Anh trai bà là luật sư Thái Văn Lung theo cách mạng, đã hy sinh năm 1946...
Môi trường âm nhạc dung dưỡng Thái Thị Liên từ nhỏ. Năm lên 4, bà học đàn dương cầm do các nữ tu trường dòng dạy. Năm 11 tuổi, khi học Trường Trung học nữ sinh Pháp, bà học đàn chuyên nghiệp. Năm 16 tuổi, bà có buổi công diễn đầu tiên. Sau 1946, bà sang Pháp, thi đỗ Nhạc viện Paris. Trong thời gian du học, bà gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới. Chính từ hoạt động này, bà gặp ông Trần Ngọc Danh (em ruột cố Tổng Bí thư Trần Phú) lúc đó là Trưởng phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mối tình cặp trai tài, gái sắc cùng chí hướng nảy nở và họ nên duyên chồng vợ. Năm 1948, bà cùng chồng đến Praha (Tiệp Khắc) khi ông được cử làm đại sứ Việt Nam đầu tiên tại đây. Bà theo học tại Nhạc viện Praha. Năm 1949, bà sinh con gái đầu lòng Trần Thu Hà.
Năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang trong giai đoạn ác liệt, bà ôm con gái nhỏ chưa đầy 2 tuổi từ Tiệp Khắc trở về nước. Cuộc đời bà gắn với kháng chiến từ đó. Là một người nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật, bà mở dạy chữ trong làng; dịch lời những bài hát kháng chiến sang tiếng Pháp vừa để tuyên truyền địch vận, vừa hát cho trẻ em nghe; dạy ký xướng âm cho các đoàn văn nghệ; chỉ huy dàn hợp xướng... Ông Trần Ngọc Danh mắc bệnh lao, qua đời ở Việt Bắc khi bà đang mang thai người con thứ hai. Đó là nỗi đau quá lớn với một phụ nữ vốn sống trong nhung lụa, bà đã buộc phải thích ứng rất nhanh với hoàn cảnh núi rừng, gắng vượt qua gian khổ, nuôi dưỡng đam mê âm nhạc và nuôi con. Bà tham gia Đoàn Ca Múa nhân dân Trung ương (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) và gặp, tái hôn với nhà thơ, nhạc sĩ Đặng Đình Hưng khi đó là Chính trị viên của Đoàn. Năm 1958, bà sinh con trai Đặng Thái Sơn - một thiên tài âm nhạc mà năng khiếu phần nhiều được thừa hưởng từ cha mẹ.
2. Thái Thị Liên là một trong 7 người thầy đầu tiên sáng lập Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong 7 nghệ sĩ sáng lập trường âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam, bà là phụ nữ và là giảng viên duy nhất có bằng đại học âm nhạc. Bà cùng các đồng nghiệp chung tay tạo dựng trường từ con số không tròn trĩnh: Không nhạc cụ, không tài liệu nhạc, không đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất kém... Công việc được phân công cho từng thành viên: Nghệ sĩ Tạ Phước làm Hiệu trưởng và dạy violon, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát dạy violoncelle, nhạc sĩ Lê Yên dạy sáng tác, nhạc sĩ Doãn Mẫn dạy ký xướng âm, nhạc sĩ Tô Vũ phụ trách sáng tác và nghiên cứu, nhạc sĩ Vũ Thuận dạy accordeon, bà Thái Thị Liên phụ trách bộ môn piano, là Trưởng khoa đầu tiên của khoa Piano. Thời kỳ chiến tranh, bà vừa chăm sóc con, vừa dạy đàn ở nơi sơ tán. Bà đảm nhiệm Trưởng khoa Piano cho đến năm 1976 rồi chuyển vào giảng dạy tại Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh.
Nghệ sĩ Thái Thị Liên là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng, là người thầy vĩ đại và người mẹ hiền của 4 con. Nếm trải, gánh trên vai những khó khăn, người mẹ tảo tần đã vượt qua gian khổ để xây dựng nền tảng, tổ ấm cho các con. Như bất cứ đấng sinh thành nào, bà coi con cái là “của để dành” quý giá nhất. Bà truyền cảm hứng, đam mê âm nhạc và tôn trọng quyết định của con. Con gái lớn là NGND Trần Thu Hà, Anh hùng Lao động, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, từng là Chủ nhiệm khoa Piano như má, trở thành Giáo sư đầu tiên nghiên cứu piano. Đặng Hồng Quang (con riêng của nhạc sĩ Đặng Đình Hưng) được má Liên nuôi dạy, chỉ dẫn theo con đường âm nhạc, từng là Chủ nhiệm khoa Piano của Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh. NSND Đặng Thái Sơn sinh năm 1958 được dung dưỡng trong môi trường âm nhạc từ “trứng nước”. Bà cũng là người thầy góp phần khơi dậy tình yêu âm nhạc cho NSND Đặng Thái Sơn. Năm 1976, bà gửi NSND Đặng Thái Sơn sang học ở Nhạc viện Tchaikovsky. Đền đáp công sinh thành, dưỡng dục, năm 1980, Đặng Thái Sơn đã mang về giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ 10, tại Ba Lan. Anh đã trở thành người châu Á đầu tiên đoạt danh hiệu cao quý này. Sau này, bà đã cùng Đặng Thái Sơn sống ở Liên Xô, Nhật, Canada và khi tuổi cao, bà chọn quê hương là nơi sinh sống cuối đời.
Riêng với KTS Trần Thanh Bình, bà tôn trọng quyết định của con trai. Cũng như chị em trong nhà, anh được học âm nhạc rất bài bản. Trong khi cả nhà theo môn piano thì anh chọn học violoncelle và mỹ thuật. Sau khi tốt nghiệp âm nhạc và mỹ thuật hệ sơ cấp, đang học trung cấp âm nhạc, anh tự nhận thấy khả năng nổi trội của mình là khoa học tự nhiên và sau mới là âm nhạc. Trần Thanh Bình thấm câu nói của Goethe: “Âm nhạc là kiến trúc dạng nước, kiến trúc là âm nhạc dạng băng” và anh đã trở thành kiến trúc sư đầu ngành, từng đảm nhận cương vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhiều công trình nổi tiếng như Phòng hòa nhạc lớn hiện đại của Học viện Âm nhạc, Trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hóa Vật liệu hạt nhân, Học viện Kỹ thuật Quân sự...
Ngoài là người thầy của ba con Trần Thu Hà, Đặng Hồng Quang và Đặng Thái Sơn, bà còn là người thầy của các thế hệ nhạc sĩ, như Nguyễn Hữu Tuấn, Hoàng My, Việt Kim, Phương Chi, Tuyết Minh, Quang Thọ, Đỗ Hồng Quân, Kim Dung...
Cuộc đời bà nếm trải đủ mọi ngọt ngào, cay đắng, thăng trầm, vinh quang... gắn với đất nước, dân tộc. Trước cây đàn, bà như người nhập thần với "bàn tay không tuổi". Chạm tuổi bách niên, bà vẫn dành thời gian dạo đàn. Chào mừng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam tuổi 55 năm, 60 năm, NGND Thái Thị Liên chơi bản Mazurka (Chopin) khiến bao người xúc động. NSND Thái Thị Liên là minh chứng cho trí tuệ, tâm đức, tài năng, đam mê âm nhạc không giới hạn với những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc nước nhà.
Xin kính biệt bà - nữ danh cầm đầu tiên của Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.