(HNM) - Cho dù Chính phủ của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra thể hiện quan điểm hòa giải với lời kêu gọi quân đội đứng ra làm trung gian để phá vỡ bế tắc trên chính trường nhưng khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có lối thoát khả dĩ.
Chiến dịch biểu tình“chiếm đóng Bangkok” do phe đối lập tổ chức đang khiến giao thông tại Bangkok tê liệt. |
Với mục tiêu làm tê liệt hoạt động của các cơ quan chính phủ nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng đương nhiệm Yingluck phải từ chức, ngay từ đêm 12-1 những người biểu tình ủng hộ phe đối lập từ khắp nơi đã ùn ùn kéo về dựng lều bạt ở thủ đô Bangkok. Suốt 24 giờ qua, hàng chục nghìn người biểu tình chống Chính phủ với khẩu hiệu "chiếm đóng Bangkok" đã phong tỏa 7 giao lộ chính ở thủ đô. Đặc biệt, tại nút giao thông tượng đài chiến thắng - tâm điểm trong làn sóng biểu tình chống Chính phủ đẫm máu năm 2010 - hàng nghìn người biểu tình đổ dồn về đây đã khiến giao thông tắc nghẽn. Các thủ lĩnh biểu tình còn cho dựng sân khấu ở giữa đường phố để hô hào mọi người xuống đường cho "cuộc chiến" không khoan nhượng dự kiến kéo dài trong gần 3 tuần này. Khẳng định không chấp nhận bất cứ thỏa hiệp nào, trong một phát biểu mới nhất, thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban tuyên bố người biểu tình sẽ đóng chốt tại 15 nút giao thông quan trọng, các trụ sở cơ quan chính quyền và trung tâm thương mại… cho đến khi nữ Thủ tướng Yingluck từ chức.
Biểu tình đường phố vốn được xem như một "căn bệnh" ở quốc gia Đông Nam Á này. Thế nhưng, cuộc đối đầu giữa Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck với những người biểu tình trong chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" đang tác động không nhỏ đến hình ảnh của xứ Chùa Vàng cũng như cuộc sống thường nhật của người dân Bangkok. Với khoảng 700.000 phương tiện giao thông qua lại mỗi ngày tại những nơi phe đối lập biểu tình, ước tính khoảng 680.000 cư dân, 440.000 sinh viên và 1,2 triệu người làm việc trong và gần các địa điểm diễn ra biểu tình bị ảnh hưởng. Theo cảnh sát Bangkok, có 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm xăng nội đô bị ảnh hưởng do người biểu tình ngăn cản, không cho các quan chức, nhân viên Chính phủ tới công sở làm việc.
Được nhận định là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 2010 đến nay, chiến dịch "chiếm đóng Bangkok" của phe đối lập đang đẩy đất nước Thái Lan rơi vào vòng xoáy bất ổn mới. Theo các dự báo mới nhất, cuộc "chiếm đóng Băngkok" có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn thứ hai ASEAN khoảng 1,25 tỷ USD khi khoảng 50 nước đã khuyến cáo công dân không nên du lịch Thái Lan trong lúc này. Không chỉ ảnh hưởng đến ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, giá cổ phiếu và đồng baht Thái cũng sụt giảm mạnh do du khách quốc tế cũng như nhà đầu tư nước ngoài e ngại về tình hình bất ổn. Nhiều chuyên gia kinh tế Thái Lan quan ngại, nếu cuộc khủng hoảng trên chính trường Thái Lan hiện nay không lắng dịu, lượng du khách quốc tế đến với đất nước của những nụ cười thân thiện này sẽ giảm khoảng 50% trong thời gian tới.
Nhằm bảo đảm hỗ trợ thông tin cho du khách trong thời gian nổ ra biểu tình, Chính phủ Thái Lan vừa thành lập các trung tâm trợ giúp du khách ở nhiều điểm tại thủ đô Bangkok. Các trung tâm được đặt tại sân vận động Hua Mark, sân bay quốc tế Don Muang và Suvarnabhumi. Trong trường hợp khẩn cấp, du khách có thể liên lạc với số điện thoại "đường dây nóng" 023141212 để được trợ giúp... Chính phủ Thái Lan cho biết đã sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp trong trường hợp cần thiết; đồng thời huy động khoảng 20.000 cảnh sát và quân lính để duy trì an ninh trật tự nếu số người biểu tình lên tới 150.000 người.
Chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck một lần nữa đứng trước bão tố khi cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 2-2 đang đến gần. Với sự chống đối quyết liệt của phe đối lập hiện nay, cuộc tổng tuyển cử xem ra khó có thể diễn ra đúng dự kiến. Mối quan ngại càng có cơ sở khi ngày 13-1, Thủ tướng Yingluck đã phải mời các thủ lĩnh biểu tình chống Chính phủ và các chính đảng cùng thảo luận về đề xuất của Ủy ban Bầu cử nhằm lùi thời gian tổ chức bầu cử.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng, cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 2-2 tới (nếu được diễn ra) cũng chưa phải là lời giải cho bài toán bất ổn tại Thái Lan hiện nay khi cuộc đấu quyền lực cũng như mâu thuẫn trong lòng dân tộc Thái Lan đã trở thành hố sâu ngăn cách, cản trở những đối thoại hòa bình vì tương lai của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.