Như vậy là ngày đầu tiên của kế hoạch chiếm đóng Bangkok đã diễn ra mà không có bạo lực.
Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban phát biểu trước những người ủng hộ ở Bangkok. Ảnh: AP/VNE |
Theo giảng viên khoa chính trị của trường đại học Thammasa – bà Janjira Sombatpoonsiri, một cuộc biểu tình mà có nhiều người đến từ nhiều tỉnh thành tham gia như cuộc biểu tình này sẽ không kéo dài quá lâu, do vậy sẽ làm gia tăng các nguy cơ về bạo lực.
Cuộc biểu tình có thể phát triển thành cuộc xung đột đường phố nếu có ai đó trở thành nạn nhân của một vụ ám sát tương tự như vụ tướng Khattiya Sawatdiphol (còn gọi là Seh Daeng – một thủ lĩnh của người biểu tình chống chính phủ) đã bị bắn vào đầu gần công viên Lumpini trong cuộc biểu tình của người áo đỏ vào 13/5/2010.
Tuy nhiên, cho đến nay, theo bà Janjira, những thành viên của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) đã tỏ ra “khôn ngoan” khi sử dụng các biện pháp tích cực trong suốt cuộc biểu tình.
Song học giả cũng khẳng định, tính hợp pháp của người biểu tình sẽ không còn nếu dân chúng thấy rằng, chính phủ sẵn sàng đàm phán nhưng người biểu tình thì vẫn tỏ ra thách thức.
Một giảng viên chính trị khác của trường đại học Walailak – ông Michael A Nelson nhận định rằng, chính phủ đã cho thấy sự bình tĩnh kéo dài trước bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, sự kéo dài này sẽ được bao lâu nữa khi mà việc chiếm giữ các nút giao thông nhằm tạo áo lực lên chính phủ vẫn tiếp tục?
Học giả này cho rằng, chính phủ sẽ cần phải làm một điều gì đó nếu như không thể chờ đợi việc người biểu tình bỏ cuộc – một tình huống khó xảy ra trong một sớm một chiều.
Giới chức an ninh và chính phủ tạm quyền Thái Lan thì dự báo rằng, chiến dịch chiếm đóng Bangkok sẽ “xì hơi” sau ba ngày. Các nhà lãnh đạo của phe áo đỏ cho rằng, người dân Bangkok sẽ mất kiên nhẫn khi mà biểu tình đường phố gây phiền phức đến cuộc sống của họ.
Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban ngày 13/1 vẫn khẳng định quyết tâm chiếm đóng Bangkok cho đến khi nào Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân chiến thắng được chính phủ tạm quyền.
“Chúng tôi sẽ chiếm đóng thành phố. Chúng tôi sẽ làm điều này cho đến khi giành chiến thắng” – thủ lĩnh biểu tình Suthep nói.
Trước bối cảnh kế hoạch chiếm đóng Bangkok vẫn được tiếp tục, người phát ngôn quân đội Thái Lan Winthai Suwari cho biết quân đội chỉ triển khai binh sĩ ở một số địa điểm, đặc biệt là ở khu văn phòng chính phủ, với nhiệm vụ không chỉ bảo đảm an toàn cho người biểu tình mà còn trợ giúp bảo đảm trật tự và luật pháp.
Ông Withai khẳng định quân đội không can thiệp vào tình hình chính trị và sẽ để cho các bên tự tìm ra các giải pháp giải quyết xung đột cho dù Ủy ban bầu cử (EC) đã đề nghị Thủ tướng Yingluck Shinawatra hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.